1

Tỉnh sớm bố trí kinh phí thanh toán tiền dạy quá số giờ theo quy định cho giáo viên ở các trường học trên địa bàn huyện.

2

Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh đối với các trường bán trú, trường có tổ chức nấu ăn cho học sinh. Hiện là 200% mức lương cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu đối với người lao động.

3

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện tại các đơn vị trường học trên địa bàn huyện thiếu các phòng học thông thường, phòng học bộ môn tối thiểu đạt chuẩn theo thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đề nghị được đầu tư xây dựng.

4

Xem xét cấp kinh phí xây dựng các phòng học thông thường, phòng học bộ môn, sửa chữa nhà công vụ giáo viên.

5

Sửa đổi điều kiện, tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của giáo viên tiếp nhận ngoài tỉnh phù hợp với vị trí việc làm, có như vậy giáo viên ngoài tỉnh mới có điều kiện về công tác tại các huyện đặc biệt như giáo viên bộ môn Tiếng Anh. Hiện nay việc tiếp nhận giáo viên từ các tỉnh khác về huyện công tác còn khó khăn do quy định tại khoản 1, Điều 5, Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy định, điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức; chuyển công tác biệt phái đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan, đơn vị.

6

Cấp có thẩm quyền xem xét việc tinh giản biên chế phù hợp với thực tế tại các trường học. Theo kế hoạch tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục giảm 10%/năm, tuy nhiên việc tuyển dụng biên chế của các trường học hằng năm còn gặp nhiều khó khăn (không có đủ số lượng theo kế hoạch phê duyệt, một số môn học không có nguồn tuyển dụng).

7Sửa Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chế độ chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo hướng không quy định tối đa 05 lần định mức/01 tháng đối với kinh phí hỗ trợ việc nấu ăn cho học sinh. Hiện nay hai trường đều có số học sinh ở bán trú đông nên theo quy định sẽ khó khăn trong việc hợp đồng số lượng nhân viên nấu ăn, không đáp ứng được việc nấu ăn cho học sinh.
8(1) Quy định trường hợp lưu ban (trên một lần) đối với học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. (2) Tăng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ Quy định chế độ chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn lên 45% mức lương cơ sở.
9Tuyến đường đèo Khau Lắc đã được nhà nước đầu tư từ những ngày thành lập huyện, hiện nay do thiên tai mưa nhiều gây sạt lở và làm hỏng, bong tróc đường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện ra vào huyện và gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân khi đi trên tuyến đường này, tính từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra nhiều đợt sạt lở huyện phải cấm lưu thông các phương tiện để khắc phục hậu quả thiên tai. Đề nghị tỉnh bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp tuyến đường đèo Khau Lắc đảm bảo an toàn cho Nhân dân
10Trong thời gian qua trên địa bàn thị trấn Lăng Can xảy ra nhiều đợt mưa lũ kéo dài, làm thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu, đất sản xuất của nhân dân. Đề nghị tỉnh bố trí kinh phí xây kè chống sạt lở để bảo vệ diện tích đất sản xuất cho Nhân dân, cụ thể: - Kè chống sạt lở dọc bờ suối thuộc tổ dân phố Nặm Chá, Nặm Đíp, Nặm Cưởm, Đon Bả và Làng Chùa chiều dài khoảng 3.500m; kè từ cầu Lùng Loàng đến cầu sân vận động Bản Kè khoảng 1.800m. - Nâng cao thêm 1 mét đoạn tường kè dọc bờ suối khu vực Nà Thẳm, thị trấn Lăng Can với chiều dài khoảng 1000m do khu dân cư ở thấp, khi mưa, lũ to hay bị ngập, gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
11Việc thực hiện Nghị quyết số 55/NQHĐND ngày 20/11/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bê tông hóa đường giao thông nông thôn còn gặp nhiều khó khăn do một số vị trí trên các tuyến đường phần có ta luy âm sâu, núi đá nên khi thi công các tuyến đường không đủ mặt bằng để thi công theo Nghị quyết. Đề nghị tỉnh có cơ chế đặc thù (hoặc hướng dẫn) đối với các đoạn đường ảnh hưởng nêu trên để khi cơ sở tổ chức xây dựng không bị vướng mắc.
12Ban di dân tỉnh bố trí nguồn vốn để làm tuyến đường dọc bờ suối từ cầu Lũng Loàng đến sân vận động Bản Kè, chiều dài khoảng 1800m để đảm bảo thuận lợi cho các hộ tái định cư thủy điện Tuyên Quang tại Tổ dân phố Phai Tre B. Hiện nay các hộ này đang canh tác, sản xuất ở khu vực Nà Thoi, Vằng Tèo, gặp nhiều khó khăn do đất sản xuất ở xa đường nội đồng.
13Bổ sung chức danh Phó thôn, tổ dân phố để thuận lợi trong quá trình hoạt động tại cơ sở.
14Nâng mức khoán chi cho các thôn, tổ dân phố và phụ cấp của các chức danh trưởng các đoàn thể của thôn, tổ dân phố.
15Nâng cấp đường dây điện tuyến đi theo đường Lăng Can - Xuân Lập; một số đoạn dây điện tại thôn Bản Kè quá thấp không đảm bảo an toàn, tháo dỡ các cột điện ở ruộng hiện nay không sử dụng để nhân dân canh tác thuận lợi.