1Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ xem xét bỏ thủ tục cấp phép khai thác sử dụng nước mặt phục vụ sản xuất đối với hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư đưa vào khai thác sử dụng; chỉ thực hiện cấp phép đối với các công trình xây dựng mới hoặc xem xét điều chỉnh các thủ tục cấp phép theo hướng đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với năng lực của cán bộ giao quản lý khai thác công trình thủy lợi tại địa phương. Hiện nay, việc thực hiện cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp đối với các công trình thủy lợi có quy mô từ 0,1m3/giây trở lên theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước đối với tỉnh Tuyên Quang chưa triển khai thực hiện được, do nội dung yêu cầu thực hiện việc cấp phép rất phức tạp, cần có kinh phí để thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực mới triển khai thực hiện được các nội dung: Phân tích, đánh giá về chế độ dòng chảy năm, dòng chảy lũ; phân tích, đánh giá về đặc điểm, diễn biến chất lượng nguồn nước.
2Về chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay còn vướng mắc, bất cập. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 179 và Điều 190 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng 01 xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác. Quy định này gây khó khăn cho quá trình triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn trên địa bàn với nhiều xã giáp ranh, mà hiện nay đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân với diện tích nhỏ, phân bổ manh mún. Do vậy, đề nghị bỏ quy định hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng 01 xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác
3

Đề nghị xem xét tăng mức hỗ trợ theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 phù hợp với mặt bằng giá vật liệu hiện nay. Cụ thể, đối với hình thức ổn định xen ghép đề nghị tăng mức hỗ trợ từ 20 triệu đồng/ hộ lên 50 triệu đồng/hộ để xây dựng mới nhà ở; tăng mức hỗ trợ từ 10 triệu/hộ lên 20 triệu đồng/hộ đối với các hộ ổn định tại chỗ để nâng cấp nhà ở và mua vật dụng phòng chống thiên tai.

4Đề nghị Chính phủ ban hành hướng dẫn về các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 11/10/2021 Ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và việc Phê duyệt vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, để các địa phương triển khai, thực hiện theo lộ trình.
5Đè nghị Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về thẩm quyền và kinh phí thực hiện thi đua khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương đối với các danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến; công nhận sáng kiến; đánh giá xếp loại lao động A,B hàng tháng, để việc thực hiện quy trình, thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua hàng năm đối với đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương theo đúng quy định.Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 353/2017/UBTVQH14 ngày 17/4/2017 Quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu Quốc hội các điều kiện đảm bảo về thi đua khen thưởng được quy định tại điểm b, khoản 1, điều 5 “b) Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm lương, phụ cấp và các chế độ khác trong thời gian làm nhiệm vụ đại biểu. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình về việc quy hoạch, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm, bố trí công tác khác nếu không tái cử, quyết định nghỉ hưu, thi đua, khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ; trước khi điều động, luân chuyển, bố trí công việc khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở có vướng mắc là do hiện nay chưa có hướng dẫn, quy định chi thường xuyên của đại biểu Quốc hội chuyên trách do Văn phòng Quốc hội đảm bảo hay do Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh bảo đảm; về quy trình thực hiện đề nghị xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động Tiên tiến”; xét sáng kiến kinh nghiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương hằng năm. Vì theo Nghị quyết số 1004/2021/UBTVQH14 ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khoản 6, Điều 3 quy định biên chế đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội và biên chế đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoạt động chuyên trách không thuộc biên chế công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà thuộc biên chế khối lãnh đạo các cơ quan dân cử tại địa phương trong tổng số biên chế cán bộ, công chức của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như vậy chức danh Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh không nằm trong biên chế công chức của văn phòng. Do vậy, Văn phòng không thể xét thi đua hàng tháng, quý trong năm và đề nghị bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; xét sáng kiến kinh nghiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng hiện hành.
6Điều chỉnh lại thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điều 105 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 theo hướng: Giao thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân (bao gồm cả cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại) cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Vì hiên nay, theo quy định tại Điều 105 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư do hai cơ quan thực hiện là: Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp lần đầu; Sở Tài nguyên và Môi trường cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận. Việc quy định như trên là chưa phù hợp, gây khó khăn cho công tác cập nhật, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
7Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012; trong đó cần sửa quy định về tỷ lệ vốn góp đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của hợp tác xã; có quy định cụ thể về đăng ký hợp tác xã sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập như thay đổi về vốn điều lệ hay thay đổi thành viên,... Hiện nay, việc quy định tỷ lệ góp vốn của các thành viên không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã gây ra khó khăn, hạn chế khi cần huy động vốn của thành viên có điều kiện góp vốn; thủ tục giải thể hợp tác xã thực tế rất khó khăn vì đa phần các hợp tác xã đã ngừng hoạt động, hoạt động yếu kém đều không có kinh phí, không còn tài sản chung để tiến hành các thủ tục theo quy định; việc chia tách HTX vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể.
8Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi nội dung quy định tại khoản 3, 4, Điều 3 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, để tháo gỡ vướng mắc trong việc giao quản lý tài sản, vì đơn vị khai thác công trình không được giao tài sản nên không đáp ứng mức vốn điều lệ khi xây dựng Đề án thành lập Doanh nghiệp theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 23 Luật Thủy lợi. Ban hành quy định cụ thể về việc xác định nguyên giá, giá trị còn lại đối với các công trình không có hồ sơ tài liệu, các công trình bán kiên cố như đập rọ thép và các công trình tạm. Thực tế hiện nay đa số các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ lâu không còn hồ sơ tài liệu nên không có căn cứ để thống kê giá trị công trình, nhất là đối với các công trình bán kiên cố như đập rọ thép và công trình tạm
9Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh khoản 2 Điều 15 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ theo hướng ưu tiên giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng diện tích đất các nông, lâm trường trả về địa phương; đối với diện tích đất các đơn vị trả về địa phương quản lý nhưng chưa có chủ sử dụng thì ưu tiên giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Hiện nay, vướng mắc vì theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp, quy định giao diện tích đất nông lâm trường trả lại phải ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất nhưng thực tế diện tích các nông lâm trường trả ra diện tích đất cơ bản đã có hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; trường hợp lấy đất để giao cho người khác thì phải thu hồi và bồi thường theo Điều 53 Luật Đất đai năm 2013.
10Xem xét trình Chính phủ bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy vào chức danh công chức xã, để tham mưu giúp Đảng ủy xã thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
11Điều chỉnh quy trình xây dựng và duyệt phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi theo hướng đơn giản hóa, dễ áp dụng thực hiện và phù hợp với các mô hình quản lý để tránh tình trạng mất nhiều thời gian. Nghiên cứu tách riêng quy định xây dựng phương án giá với chính sách hỗ trợ của Nhà nước giai đoạn 2021- 2025; hoặc ban hành khung giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi cho từng vùng, miền làm cơ sở để các địa phương quy định giá cụ thể thực hiện trên địa bàn.
12Xem xét quy định các Dự án nhóm A, nhóm B thực sự quan trọng, dự án có nguy cơ mất an toàn cao mới thực hiện việc mua bảo hiểm, còn các dự án thông thường không nên đưa gói thầu bảo hiểm vào chi phí đầu tư dự án.
13Sớm phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và Miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các địa phương có cơ sở xác định rõ các nội dung trong Quy hoạch tỉnh, đặc biệt là xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng; xác định các khu vực ưu tiên, khuyến khích và hạn chế phát triển về kinh tế, xã hội, hạ tầng, đô thị hóa; xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch, xây dựng danh mục các dự án quan trọng và thứ tự ưu tiên thực hiện.
14Sớm ban hành văn bản quy định về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo giai đoạn 2021-2025
15Quan tâm ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao từ Hà Giang-Tuyên Quang kết nối với tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, để nối vào tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Trước mắt, đưa tuyến đường tốc độ cao Tuyên Quang-Hà Giang vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 2050, thực hiện đầu tư trước năm 2030 và đồng ý chủ trương cho phép thực hiện các thủ tục đầu tư dự án đường tốc độ cao Tuyên Quang-Hà Giang kết nối với cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, có chiều dài khoảng 165 km, theo tiêu chuẩn đường ô tô tốc độ cao-yêu cầu thiết kế, đường cấp 80 và cấp 100; vận tốc thiết kế 80-100 km/h.