1Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ xem xét bỏ thủ tục cấp phép khai thác sử dụng nước mặt phục vụ sản xuất đối với hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư đưa vào khai thác sử dụng; chỉ thực hiện cấp phép đối với các công trình xây dựng mới hoặc xem xét điều chỉnh các thủ tục cấp phép theo hướng đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với năng lực của cán bộ giao quản lý khai thác công trình thủy lợi tại địa phương. Hiện nay, việc thực hiện cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp đối với các công trình thủy lợi có quy mô từ 0,1m3/giây trở lên theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước đối với tỉnh Tuyên Quang chưa triển khai thực hiện được, do nội dung yêu cầu thực hiện việc cấp phép rất phức tạp, cần có kinh phí để thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực mới triển khai thực hiện được các nội dung: Phân tích, đánh giá về chế độ dòng chảy năm, dòng chảy lũ; phân tích, đánh giá về đặc điểm, diễn biến chất lượng nguồn nước.
2Về chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện nay còn vướng mắc, bất cập. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 179 và Điều 190 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng 01 xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác. Quy định này gây khó khăn cho quá trình triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn trên địa bàn với nhiều xã giáp ranh, mà hiện nay đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân với diện tích nhỏ, phân bổ manh mún. Do vậy, đề nghị bỏ quy định hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng 01 xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác
3Điều chỉnh lại thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điều 105 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 theo hướng: Giao thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân (bao gồm cả cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại) cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Vì hiên nay, theo quy định tại Điều 105 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư do hai cơ quan thực hiện là: Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp lần đầu; Sở Tài nguyên và Môi trường cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận. Việc quy định như trên là chưa phù hợp, gây khó khăn cho công tác cập nhật, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.