Ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012; trong đó cần sửa quy định về tỷ lệ vốn góp đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 30% vốn điều lệ của hợp tác xã; có quy định cụ thể về đăng ký hợp tác xã sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập như thay đổi về vốn điều lệ hay thay đổi thành viên,... Hiện nay, việc quy định tỷ lệ góp vốn của các thành viên không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã gây ra khó khăn, hạn chế khi cần huy động vốn của thành viên có điều kiện góp vốn; thủ tục giải thể hợp tác xã thực tế rất khó khăn vì đa phần các hợp tác xã đã ngừng hoạt động, hoạt động yếu kém đều không có kinh phí, không còn tài sản chung để tiến hành các thủ tục theo quy định; việc chia tách HTX vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

TRẢ LỜI:

Trả lời tại Văn bản số 9351/BKHĐT-TH ngày 30/12/2021, cụ thể:

Tại Nghị quyết số 134/NQ-CP  ngày 25/9/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70/KL-TW ngày 09/3/2020 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận các kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp nội dung kiến nghị của cử tri trong quá trình tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012.