Đại biểu Âu Thị Mai đề xuất một số giải pháp về Đầu tư công và các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 02/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024-2026.

Phát biểu thảo luận, đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024-2026, đồng thời tham gia một số nội dung cụ thể:


Đại biểu Quốc hội tỉnh Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.

Về kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: đại biểu đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Quốc hội trong việc xây dựng, thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, sớm hơn gần 1 năm so với giai đoạn 2016-2020; vốn đầu tư công giai đoạn này được bố trí tập trung hơn, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kéo dài, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành trong lựạ chọn, phê duyệt, phân bổ cho các dự án cụ thể theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển, ngân sách trung ương tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc, dự án liên vùng, dự án trọng điểm…, qua đó đã giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới cho sự phát triển của từng, ngành, lĩnh vực, từng địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dự án. Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề; 03 Chỉ thị và nhiều công điện, văn bản chỉ đạo về tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức các hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá về công tác giải ngân vốn đầu tư công; thành lập các tổ công tác để thúc đẩy, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhờ đó giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển biến mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực; đồng thời mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực tăng trưởng phát triển trong trung và dài hạn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình 02 năm 2022 và 2023 đạt 93,56% kế hoạch; 9 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ giải ngân đạt 51,38%, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn 110 nghìn tỷ đồng.


Toàn cảnh phiên họp.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải ngân vốn đầu tư công, bởi do ảnh hưởng của diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với các yếu tố biến động từ bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, dẫn tới giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng; một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; trình tự, thủ tục triển khai thực hiện một dự án được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật liên quan, trong đó nhiều thủ tục mới, dẫn tới các bộ, ngành, địa phương khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của Luật, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương lúng túng, mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án.

Từ những bất cập nêu trên, để đầu tư công thực sự là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hoàn thành mục tiêu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu kiến nghị Chính phủ một số giải pháp, cụ thể: (1) Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; (2) Tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gõ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công; (3) Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt, vì hiện nay khi triển khai thực hiện mỗi dự án, mỗi công trình cần chuyển 10 hecta đất lúa, 20 hecta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và 50 hecta đất rừng sản xuất trở lên thì phải xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định này làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại địa phương, hơn nữa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phân khai chỉ tiêu sử dụng đất và ban hành nghị quyết phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trong đó xác định rõ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cuối kỳ quy hoạch và chỉ tiêu được phép chuyển mục đích các loại đất trên sang mục đích phi nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024-2026: Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội chịu nhiều tác động từ các yếu tố trong và ngoài nước đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2023. Với sự quyết tâm cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện các chỉ tiêu ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nhiều nhiệm vụ chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội được ưu tiên bố trí.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, tiến độ giải ngân các nguồn vốn còn chậm, nhất là 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Đến tháng 9 năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới giải ngân được khoảng 19.090 tỷ đồng vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 32% kế hoạch, trong đó: vốn đầu tư phát triển khoảng 16.660 tỷ đồng, đạt 48%; vốn sự nghiệp khoảng 3.800 tỷ đồng, đạt khoảng 15%. Việc chậm giải ngân vốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án chậm và chung chung, hầu hết các văn bản sau khi ban hành phải sửa đổi hoặc đính chính, cá biệt đến nay có một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa có hướng dẫn; việc xây dựng, xác định các mục tiêu của chương trình chưa thực sự sát với thực tiễn, định mức hỗ trợ một số nội dung thấp, gây khó khăn cho thực hiện chương trình; việc áp dụng định mức đối với dự án không có cấu phần xây dựng chưa có hướng dẫn nên nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương lúng túng trong việc áp dụng định mức lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dẫn đến khả năng thực hiện giải ngân vốn năm 2023 khó đạt được 95% kế hoạch như mục tiêu phấn đấu. Bên cạnh đó, trường hợp không được kéo dài nguồn vốn thực hiện năm 2023 sang năm 2024 sẽ dẫn đến việc hủy dự toán năm 2023, ảnh hưởng đến quyền lợi của một số đối tượng yếu thế, đối tượng thụ hưởng của các chương trình mục tiêu quốc gia, gây dư luận trong xã hội và áp lực trong việc bố trí nguồn lực trong 02 năm còn lại.

Từ khó khăn trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính Phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đặc biệt Bộ Tài chính là cơ quan tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này cần có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư phát triển, góp phần hoàn thành kế hoạch Ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024-2026./.

Thanh Thuỷ
Ảnh: Doãn Tấn

Tin cùng chuyên mục