Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy thảo luận tại Hội trường vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 03/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Tham gia thảo luận vào dự thảo Luật, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình kỳ họp này. Đồng thời tham gia một số nội dung để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật, cụ thể như:

Về quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 28 của dự thảo luật về Nhận quyền sử dụng đất: đại biểu thống nhất với Phương án 2: Quy định tại Phương án 2 của dự Luật mở rộng phạm vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Về quy định tại Điều 34 của dự thảo luật, Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm. Đại biểu thống nhất với Phương án 1: loại trừ quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Lý do lựa chọn được đại biểu đưa ra là Phương án này sẽ giúp đơn vị sự nghiệp công lập vừa có cơ chế khai thác hiệu quả quỹ đất quản lý và bảo toàn tài sản công phù hợp với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công về đơn vị sự nghiệp công lập không được sử dụng tài sản công do Nhà nước giao hoặc được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước để thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác; mặt khác về mặt tiếp cận đất đai thì đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có điều kiện tiếp cận đất đai thuận lợi hơn so với các tổ chức kinh tế, nếu cùng có quyền như nhau thì sẽ gây mất bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức kinh tế khác.


Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường.

Đối với quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (tại khoản 7, Điều 45). Qua nghiên cứu thực tế, đại biểu đề nghị lựa chọn Phương án 2. Bởi vì, khả năng canh tác của cá nhân khó đáp ứng khi vượt hạn mức theo quy định tại Điều 177 của dự thảo Luật, cần thiết phải thành lập tổ chức kinh tế. Việc quy định phải thành lập tổ chức kinh tế trong mọi trường hợp không tính đến quy mô sử dụng đất cũng là không phù hợp với thực tế, rườm rà về thủ tục hành chính và không khơi thông được nguồn lực phát triển.

Về đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu trữ tro cốt quy định tại Điều 215, đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã quy định cụ thể về đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng xa khu dân cư, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất… Tuy nhiên, thực tế vấn đề lo lắng nhất là việc chôn cất người mất trong nhân dân, nhất là khu vực nông thôn hiện nay khó quản lý và tổ chức thực hiện như quy định vì việc bố trí đất nghĩa trang nhân dân không phải xã nào cũng bố trí được, người dân mỗi nơi làm mỗi kiểu khi có người thân qua đời, có thể chôn cất trên phần đất sản xuất, đất ở của mình… ít nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh môi trường đất, nước, không khí, về lâu về dài thì làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, thu hẹp diện tích đất canh tác.. Đây là vấn đề nan giải trong thời gian qua của nhiều địa phương, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền một mặt cố gắng khắc phục khó khăn, vừa tăng cường việc tổ chức tuyên truyền, vận động tích cực nhân dân, nhưng liên quan đến đời sống tâm linh của người dân nên rất khó. Đại biểu đề nghị cần có những chế định mang tính bắt buộc để có những quy định phù hợp ngay trong Điều 215 của dự thảo luật đất đai lần này để khắc phục tình trạng trên vừa đảm bảo môi trường sống, vừa đảm bảo ý nghĩa đời sống tinh thần của nhân dân .

Dự án Luật đất đai hiện nay mặc dù đã hết sức khẩn trương và quyết liệt hoàn thiện, nhưng do đây là dự án Luật hết sức quan trọng, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau và luật có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của hầu hết cá nhân, tổ chức trong xã hội, công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Quốc hội cân nhắc cần dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật một cách thấu đáo và hiệu quả nhất./.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục