Đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng ngày 06-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng.



Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương đình Huệ cho rằng đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Việc tái giám sát, chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và Nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra. Mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành. Đồng thời, thông qua hoạt động tái giám sát, sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Phiên chất vấn lần này sẽ chất vấn 4 nhóm lĩnh vực gồm: nhóm lĩnh vực liên quan đến kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng; nhóm lĩnh vực liên quan đến  công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường; nhóm lĩnh vực liên quan đến tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán; nhóm lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Trước khi đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện, báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.


Đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đối với nhóm lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hai vấn đề: Một là: Thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đến nay việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu, kém chưa đạt tiến độ đề ra, đề nghị làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ việc xử lý các tổ chức tín dụng, qua đó đảm bảo an toàn hệ thống? Hai là: Kết quả thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân cũng như giải pháp thực hiện trong thời gian tới?


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6.

Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Đây là Nghị định được ban hành sớm nhất trong số các nghị định triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn và trong quá trình thực hiện cũng đã ban hành các thông tư sửa đổi, thay thế cho phù hợp với thực tiễn. Kết quả, đến nay việc giải ngân đã được triển khai đúng quy chế, số dư nợ cho vay các chính sách theo chương trình này đạt 1.996 tỷ đồng, với hơn 40.000 khách hàng còn dư nợ. Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy khó khăn nhất để triển khai giải ngân chương trình này là phê duyệt các danh sách thuộc đối tượng được hưởng chương trình. Về vấn đề này, Ngân hàng nhà nước cũng rất mong các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm ban hành danh sách, trên cơ sở đó để ngân hàng chính sách xã hội sẽ thực hiện giải ngân. Hiện nay, Chính phủ cũng đang giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan bộ, ngành tham mưu đề xuất sửa đổi chương trình, trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, cũng như kiến nghị của các địa phương. Về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó, chưa có tiền lệ, năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình thực hiện theo tiến độ và trình các cơ quan liên quan./.

Đỗ Dũng
Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Tin cùng chuyên mục