Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Ma Thị Thúy, kỳ vọng phiên chất vấn giải quyết được nhiều vướng mắc của cử tri cả nước cũng như kiến nghị cử tri tỉnh Tuyên Quang

Tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ này, Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề nổi lên như tại các kỳ họp thông thường, mà sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành liên quan đến việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.


Đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh

Chia sẻ trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách kỳ vọng, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, đúng trọng tâm. Bởi đây là một trong những hình thức giám sát tối cao được đại biểu và cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Thông qua chất vấn đi đến tận cùng vấn đề, nhằm tháo gỡ những nút thắt, cùng kiến tạo các giá trị tốt đẹp nhất để phục vụ lợi ích chung của cử tri, Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh - Ma Thị Thúy cho biết: cũng như các đại biểu Quốc hội khác rất kỳ vọng vào một kỳ chất vấn đang được cử tri, nhân dân và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm, kỳ chất vấn lần này khác với các kỳ chất vấn ở các kỳ họp khác, lần này thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề chất vấn đối với tất cả các lĩnh vực và sẽ chia theo nhóm lĩnh vực để các đại biểu chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, các ĐBQH sẽ chất vấn lại những vấn đề mà trước đây đã chất vấn Thủ tướng chính phủ và các thành viên chính phủ, từ đó thấy được lời hứa thực hiện các giải pháp của ngành lĩnh vực phụ trách đến nay còn có tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Đồng chí tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các vấn đề chất vấn, phiên chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi thẳng thắn đúng trọng tâm, được cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm và mong chờ kỳ chất vấn.


Đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy cùng đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh cho biết, cử tri tỉnh Tuyên Quang gửi nhiều tâm tư nguyện vọng đến kỳ họp này, trong đó tập trung vào các nội dung như:

Thứ nhất: Về Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội. Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và ban hành nhiều công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên thị trường bất động sản và nhà ở vẫn chuyển biến chậm, chưa có dấu hiệu tích cực, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu…cử tri băn khoăn nhất là  gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho Đề án ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội chậm được giải ngân (6 tháng triển khai mới giải ngân được 0,07%).

Cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp trong Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có chính sách lãi suất vay, hạn mức tín dụng từng giai đoạn hợp lý; sửa đổi các quy định bất cập về quản lý, phát triển nhà ở xã hội; đẩy nhanh việc rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư...

Thứ hai: Về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đó là về bộ sách giáo khoa, tình trạng thiếu giáo viên được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều tại các kỳ họp Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa được Chính phủ xem xét giải quyết, hiện nay vẫn còn những bấp cập, khó khăn cần được quan tâm giải quyết của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước như: Vấn đề xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, sự cần thiết và vai trò của bộ sách giáo khoa do Nhà nước biên soạn và phát hành; tình trạng khan hiếm sách giáo khoa vào đầu năm học, giá thành sách giáo khoa tăng 2-4 lần so với giá sách giáo khoa của chương trình năm 2006, giá cả sách bổ trợ thì muôn màu muôn vẻ nếu không muốn nói là loạn giá, Bộ sách giáo khoa chỉ dung 1 lần … áp lực việc trang trải kinh phí lo cho con đi học làm cho người dân đã khó khăn càng khó khăn thêm, nhất là người dân có thu nhập thấp, vùng miền núi, dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Về đảm bảo điều kiện cần thiết cho công tác dạy và học : Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu và yếu, đáng lưu ý nhất là tình trạng thiếu giao viên ở các cấp học mầm non, phổ thông công lập nhất giáo viên dạy học các môn học mới, chưa kể đến một số môn học không có nguồn tuyển như tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc…

Thứ ba: Về lĩnh vực đất đai về Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội và Nghị quyết 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Đến nay Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hưởng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đã xác định cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, ưu tiên phát triển trước, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.


Đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy giám sát tại cơ sở về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thời gian qua còn chậm, nguyên nhân là do nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, mô hình cơ sở dữ liệu đất đai, nguồn lực thực hiện. Các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh cụ thể:  Phạm vi thực hiện của Đề án bao gồm phần diện tích đất của các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp bản giao về địa phương qua các lần rà soát, sắp xếp, có đối tượng và nguồn gốc sử dụng phức tạp, khó xử lý nên các địa phương còn có tâm lý e ngại, chưa quyết liệt tháo gỡ, xử lý.  Việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh có sự chồng lấn với quy hoạch ba loại rừng tại địa phương cũng là rào cản để triển khai thực hiện Đề án. Một số địa phương lúng túng trong việc xây dựng phương án sử dụng đất đối với phần đất các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp trả về địa phương. - Một số địa phương tới nay chưa thực hiện xong việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông nghiệp, công ty làm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ có nên vẫn chưa xác định rõ phần diện tích đất bàn giao về địa phương làm cơ sở xác định khối lượng công việc khi xây dựng Đề án. Việc các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm. Nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa; việc thu hồi đất của các nông, lâm trưởng sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chừ” kéo dài, làm phát sinh nguy cơ lấn chiếm đất trái phép; diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu là đất các công trình hạ tầng công cộng hoặc đất xa, xấu, khó canh tác, đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết nên chính quyền địa phương không muốn tiếp nhận. Một số nơi bàn giao đất tốt, trên đất đang có vườn cây, rừng trồng nhưng địa phương còn lũng tăng do không xác định được nguồn vốn trồng rừng, trữ lượng rùng để bản giao và cách thức tính toán giá trị tài sản đền bù hoặc bên nhận đất không có khả năng thanh toán tiền đến bù giá trị tài sản trên đất.

Đây là các vấn đề đã được chỉ ra từ trước, mặc dù Chính phủ và các địa phương vẫn tập trung khắc phục, nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng theo yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn đòi hỏi.

 Với vai trò của đại biểu Quốc hội trong giám sát việc thực hiện cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu cho biết Trong thực hiện luật hoạt động giám sát  của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có nói rõ Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước cử tri tại địa phương thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri. Phát huy vai trò của đại biểu cũng như trách nhiệm trước cử tri, Qua trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành việc giám sát thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng được luật quy định rõ ràng. Không phải xuân thu nhị kỳ mới giám sát lại những lời hứa này. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, người đã trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp trước đến đại biểu Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội. Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thực tế hiện nay, qua theo dõi nhiều cuộc chất vấn, sau nhiều lời hứa “kiên quyết xử lý dứt điểm”, “đã có kế hoạch, nhất định sẽ làm và nhanh chóng tháo gỡ…”, nhưng người dân và các doanh nghiệp vẫn bị gây khó khăn, sách nhiễu, những vấn đề quốc kế dân sinh chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, thỏa đáng vẫn diễn ra như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân. Có thể thấy, không phải lời hứa nào cũng có thể được thực hiện trọn vẹn, không phải lời hứa nào cũng có thể thực hiện được trong một sớm, một chiều, nhưng người dân và cử tri cả nước có quyền được biết về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và lộ trình, giải pháp cụ thể giải quyết từng nhóm vấn đề cho đến khi có kết quả cuối cùng. Mọi thứ cần phải được công khai, minh bạch dưới sự giám sát đánh giá không chỉ của cơ quan chuyên môn mà là của toàn dân.

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh: “chất vấn không phải là cuộc thi hay sát hạch, đánh đố gì các Bộ trưởng, trưởng ngành mà là cùng nhau làm sáng tỏ các vấn đề để giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn”. Trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội suy đến cùng cũng không nằm ngoài mục đích đó…giám sát để đi đến tận cùng của vấn đề, để tháo gỡ những nút thắt… giám sát để cùng kiến tạo các giá trị tốt đẹp nhất để phục vụ lợi ích chung của cử tri, nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục