Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 24/10, dưới sự chủ trì của đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, các vị đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Đà Nẵng, Sơn La và Tuyên Quang đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.


Quang cảnh họp Tổ đại biểu
.

Đại biểu Quốc hội thảo luận các nội dung về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và kết quả rà soát hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.


Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận, Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung liên quan đến các báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh đến công tác giáo dục và đào tạo. Đại biểu cho rằng, chất lượng đào tạo đại học và sau đại học đã được nâng lên. Tuy nhiên cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề, đào tạo các lĩnh vực về khoa học công nghệ, kỹ thuật cao. Đồng thời, có giải pháp dài hơi cho đào tạo các vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số; tăng mức đầu tư cho đào tạo đại học, sau đại học, tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo. Tham gia vào vấn đề giáo dục phổ thông, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, hiện nay đổi mới giáo dục phổ thông đang đi đúng hướng với quy mô toàn quốc. Tuy nhiên vẫn cần thiết kế theo lộ trình phù hợp...


Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ.

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục và đào tạo, đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh nhấn mạnh thực trạng thiếu giáo viên ở các cấp học vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Vấn đề này đã diễn ra trong vài năm gần đây, cử tri và ĐBQH cũng đã có nhiều ý kiến nhưng vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay, các địa phương đang rất khó khăn về nguồn tuyển, dẫn đến một số giáo viên dạy các bộ môn khác mà không đúng chuyên môn. Đại biểu đề xuất, Chính phủ nên xem xét trình Quốc hội, trước mắt khi chưa sửa được Luật Giáo dục thì nên có giải pháp để các địa phương tuyển một số ngành có trình độ cao đẳng để đảm bảo dạy và học có chất lượng trong việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tham gia ý kiến vào vấn đề đầu tư công, đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn lặp lại hàng năm. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân, làm rõ những điểm nghẽn liên quan đến trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương cũng như xem xét nguyên nhân liên quan đến các văn bản pháp luật là rào cản cho việc giải ngân vốn đầu tư công.

Về chính sách tài khoá tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể các chương trình, đồng thời kéo dài các chương trình đã triển khai hiệu quả để tránh lãng phí nguồn lực, nhất là những chương trình tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương xây dựng các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các chương trình. Đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ cần nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ trực tiếp vào giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoạch thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy phát triển và giảm thiểu những thủ tục xác minh phức tạp.


Đại biểu Âu Thị Mai tham gia thảo luận tại tổ.

Đại biểu Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cơ cấu bố trí thêm nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia; có nhiều hơn các chính sách đào tạo và sử dụng lại lượng lao động dịch chuyển về các vùng địa phương; ban hành thêm các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể hơn cho các địa phương để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trung hạn và dài hạn.

Cũng tại Phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến vào nhiều nội  dung quan trọng khác về: Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn...

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án luật công trình Quốc phòng và khu quân sự và thảo luận danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm ./.

Tuấn Anh

Tin cùng chuyên mục