Khai mạc trọng thể kỳ họp họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Sáng ngày 23/10, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc. Tham dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội khóa XV.


Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang tham dự kỳ họp.

Tham dự kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang gồm có 06 đại biểu, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh được Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội phân công làm tổ trưởng tổ thảo luận số 11 gồm các Đoàn: Tuyên Quang, Tây Ninh, Đà Nẵng, Sơn La.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV được tổ chức làm hai đợt, trong đó: Đợt 1 từ ngày 23/10 đến 10/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến 28/11. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về những vấn đề xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến trong 22 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng: Về công tác lập pháp: Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật và 02 dự thảo nghị quyết. Trong đó dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hai lần cho ý kiến và 08 dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 bao gồm: Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Nhà ở (sửa đổi), Tài nguyên nước (sửa đổi); Viễn thông (sửa đổi); Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến lần đối với 08 dự án luật: BHXH (sửa đổi); Lưu trữ (sửa đổi); Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Đường bộ; Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Thủ đô (sửa đổi); Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.


Quang cảnh kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao. Các dự thảo luật được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua cơ bản đã có sự thống nhất cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Việc xem xét, ban hành các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là đối với các nội dung trong dự thảo luật có 2 phương án, đề nghị phân tích ưu điểm, nhược điểm để đưa ra được phương án tối ưu nhất.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội xem xét đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có xem xét cải cách tiền lương; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026); xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia; xem xét, quyết định Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; xem xét Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Đặc biệt, lần đầu tiên xem xét kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.


Trước phiên khai mạc các vị đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ dành 1,5 ngày để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và 2,5 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số báo cáo của các cơ quan của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân; kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng và việc thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14, việc thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15; công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và việc thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14).

Nhấn mạnh tại Kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri, Nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ thành công, mang tới kết quả tốt đẹp hướng tới năm 2024 là một năm bứt phá, hoàn thành các kế hoạch, nghị quyết 5 năm của Quốc hội./.

Tuấn Anh
Ảnh: Lâm Hiển

Tin cùng chuyên mục