Tham gia thảo luận vào dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh thống nhất với nhiều nội dung báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đồng thời tham gia một số nội dung để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật, cụ thể như:
Đối với quy định những hành vi bị nghiêm cấm tại dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào khoản 3 Điều 3 hành vi “chậm báo cáo trong trường hợp xảy ra sự cố hoá chất nghiêm trọng theo quy định của Chính phủ”. Đại biểu cho rằng nếu quy định như vậy chưa rõ trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin trong trường hợp khẩn cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan điều hành phiên họp.
Tại điểm c, khoản 1, Điều 4 và khoản 2, Điều 5, bổ sung thêm cụm từ “cụm công nghiệp” vì theo điều kiện thực tế có địa phương không quy hoạch xây dựng khu công nghiệp hoá chất mà chỉ quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp hoá chất.
Ở khoản 1 Điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Luật Phòng thủ dân sự và Luật Bảo vệ môi trường vào dự thảo Luật. Vì các Luật có nhiều nội dung liên quan đối với hoạt động đầu tư hóa chất, xây dựng công trình hóa chất.
Đối với quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 13, đề nghị bổ sung cụm từ “phải do tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định pháp luật” để đảm bảo rõ ràng hơn cho chủ thể có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất.
Về đăng ký hoá chất mới, đại biểu cho rằng, Điều 19 dự thảo chưa quy định rõ thời gian xử lý thủ tục đăng ký, có thể dẫn đến hệ luỵ về giải quyết thủ tục chậm hoặc muộn…nguy cơ chậm chễ trong hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc tiêu cực trong giải quyết đăng ký của cán bộ, do vậy đề nghị nghiên cứu ấn định thời gian tối đa xử lý thủ tục đăng ký hoá chất mới nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.
Về quản lý hoá chất mới, tại khoản 2 Điều 21 dự thảo quy định yêu cầu báo cáo hàng năm trong thời hạn 05 năm sau khi đăng ký hoá chất mới, nhưng không đề cập đến hậu quả nếu không tuân thủ quy định luật, hiệu lực thực thi trên thực tế của Luật cần đảm bảo tính nghiêm minh. Do vậy, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giao cho Chính phủ quy định chi tiết chế tài xử lý khi không báo cáo hàng năm.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận.
Về khoảng cách an toàn quy định tại khoản 1 Điều 34, đề nghị bổ sung quy định đối với cơ sở sản xuất hóa chất có quy mô lớn cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải do việc sản xuất hóa chất rất độc hại. Theo đại biểu nếu chỉ quy định địa điểm xây dựng an toàn, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất là chưa đầy đủ.
Vấn đề liên quan đến khoản 2 Điều 39 về trang thiết bị, lực lượng ứng phó sự cố hóa chất, đại biểu đề nghị quy định cụ thể số lần huấn luyện, thực hành các phương án ứng phó sự cố hóa chất vì nếu như sử dụng cụm từ "thường xuyên" thì có thể sẽ khó cho cơ quan chức năng khi thực hiện kiểm tra, xử lý.
Đối với quy định tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật về an toàn, an ninh hóa chất, đại biểu đề nghị cần xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm thu hồi, xử lý hóa chất bị cấm, hóa chất không đạt chuẩn sau khi lưu thông trên thị trường; hóa chất tồn dư tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn trữ sau khi tổ chức, cá nhân sản xuất/ kinh doanh/ tồn trữ hóa chất bị thu hồi Giấy chứng nhận, Giấy phép kinh doanh hóa chất./.