Đây là những nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 cũng như cả giai đoạn 2021-2025. Từng dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị nghiêm túc theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực HĐND tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức 02 phiên họp thẩm tra dự thảo nghị quyết; UBND tỉnh và các cơ quan liên quan chủ động, tích cực cùng HĐND tỉnh trong chuẩn bị, tổ chức kỳ họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương trình dự thảo nghị quyết.
Với mục tiêu bảo tồn những yếu tố nguyên gốc của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; xây dựng Khu di tích trở thành trung tâm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng của cả nước gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho người dân vùng căn cứ cách mạng Tân Trào nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung, dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đã đáp ứng các điều kiện quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và phù hợp với kế hoạch của Trung ương về phân bổ nguồn vốn; thuộc dự án nhóm B, xác định quy mô đầu tư gồm 09 hạng mục với tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng. Nghị quyết được 100% đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp nhất trí thông qua.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Lợi trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố và ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 15/12/2021 của HĐND tỉnh và Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2022 sang năm 2023, tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Hà Trung Kiên, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính đã báo cáo làm rõ thêm một số nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo nghị quyết về các khoản thu ngân sách huyện được hưởng 100% phù hợp với khoản ghi thu ghi chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nhà đầu tư tự nguyện ứng trước được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tỷ lệ phân chia thu tiền sử dụng đất giữa cấp tỉnh, cấp huyện và đảm bảo đúng các quy định, hướng dẫn mới của Trung ương, phù hợp thực tiễn địa phương nhằm giảm thủ tục hành chính; thuận lợi cho các huyện, thành phố chủ động trong quản lý, điều hành ngân sách, tạo nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Trung Kiên phát biểu làm rõ một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh.
Đối với 02 dự thảo nghị quyết về phân bổ kế hoạch vốn dự phòng đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp năm 2022 và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp năm 2023 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Vân Đình Thảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính cùng các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố thảo luận, thống nhất về kế hoạch phân bổ các nguồn vốn. Cụ thể năm 2022, tổng nguồn vốn Trung ương giao 48,958 tỷ đồng, phân bổ 6,768 tỷ đồng vốn dự phòng đầu tư phát triển để xây dựng Công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên và vốn sự nghiệp 42,190 tỷ đồng để thực hiện 09 dự án thành phần; năm 2023 tổng nguồn vốn Trung ương giao 196,488 tỷ đồng, phân bổ vốn đầu tư phát triển 154,480 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 41,986 tỷ đồng để thực hiện 08 dự án thành phần. Bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với kế hoạch phân bổ các nguồn vốn tại 02 dự thảo nghị quyết về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Sơn Dương trao đổi huyện đã thực hiện rà soát, báo cáo với các sở, ngành và đề xuất đầu điểm các nhiệm vụ, dự toán chi tiết nguồn vốn để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn huyện Sơn Dương; đồng tình với phương án phân bổ vốn theo nội dung trình tại dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổ đại biểu Sơn Dương.
Thảo luận về dự thảo nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2023, đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết việc phân bổ vốn căn cứ vào Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2023 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 01/7/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 09/7/2022 về phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của HĐND tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình, dự án, đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Dự thảo nghị quyết được các đại biểu HĐND tỉnh đồng thuận, nhất trí thông qua với tỷ lệ 100%.
Đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp.
Nghị quyết phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang năm 2023 và Nghị quyết quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; một số nội dung và mức chi giảm nghèo về thông tin thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 đều nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh. Các nghị quyết trên được ban hành là cơ sở để triển khai thực hiện Chương trình kịp thời, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật có liên quan và phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh Tuyên Quang.
Để đại biểu HĐND tỉnh có thêm cơ sở trước khi quyết nghị thông qua dự thảo nghị quyết về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Việt, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao đổi, thông tin đến đại biểu Nghị quyết quy định các nội dung được phân cấp theo Luật Thủy lợi, Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; làm căn cứ để ban hành Quyết định của UBND tỉnh quy định cụ thể giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022.
Dưới sự điều hành của Chủ tọa kỳ họp, phiên thảo luận thông qua dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh diễn ra nghiêm túc, chất lượng, dân chủ. Các vị đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, xem xét thận trọng, kỹ lưỡng các nội dung. Nội dung phát biểu của các cơ quan chuyên môn đã trả lời, phân tích, làm rõ hơn các căn cứ pháp lý ban hành nghị quyết, điều kiện bảo đảm thực hiện nghị quyết; đồng thời tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu HĐND tỉnh để tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết. Với sự đồng thuận, thống nhất cao, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX đã nhất trí thông qua 09 dự thảo nghị quyết trình kỳ họp chuyên đề lần thứ tư./.