Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Tuyên Quang chủ trì thảo luận tại tổ 12. |
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng, trách nhiệm của Ban soạn thảo và Ban thẩm tra trong việc trình dự thảo nội dung Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV lần này; thống nhất với sự cần thiết ban hành 2 luật trên trong tình hình hiện nay, việc ban hành 2 luật này sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn xã hội, phòng ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ bên ngoài.
Về Luật An ninh mạng, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, hiện nay không gian mạng cũng là môi trường dễ bị các loại đối tượng tấn công hoặc sử dụng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Góp ý cụ thể về Luật An ninh mạng, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng dự thảo luật còn những quy định chưa rõ, chưa cụ thể như: giải thích từ ngữ "an ninh mạng"; chính sách của Nhà nước về an ninh mạng; các biện pháp bảo vệ an ninh mạng; quy định về ý thức của công dân trong việc tham gia mạng và bảo vệ an ninh mạng...
Đại biểu Thúy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo, trùng lắp với các luật khác liên quan như Bộ Luật hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cơ yếu, Luật Khoa học công nghệ, Luật Công nghệ thông tin… Đồng thời, cần xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong dự thảo Luật. Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đây là dự án Luật có nhiều nội dung phức tạp nên cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn kinh nghiệm của các nước.
Về Luật bảo vệ bí mật Nhà nước, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị tại khoản 2 Điều 11 quy định về xác định độ bí mật nhà nước như dự thảo là rất khó thực hiện và chưa hợp lý. Bời vì các cơ quan, tổ chức đã không thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước và khi họ sử dụng bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức khác gửi đến thì họ không thể tự mình xác định được độ mật của văn bản đó để đóng dấu mức độ mật tương ứng.
Cùng quan điểm, đại biểu Âu Thị Mai tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, vì sau hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi. Thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Về phạm vi bí mật nhà nước tại Điều 9, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng về phạm vi bí mật cần quy định rõ lĩnh vực nào, mức độ nào cần đưa vào bí mật nhà nước. Theo đại biểu Mai, thực tế danh mục bí mật nhà nước ở địa phương cần căn cứ trên danh mục bí mật nhà nước của Chính phủ quy định để từ đó chủ tịch UBND tỉnh quy định bí mật nhà nước với phạm vi cấp tỉnh.
Tại Điều 6, nơi lưu trữ soạn thảo bí mật nhà nước, đại biểu Mai đề nghị cần quy định cụ thể và chặt chẽ hơn để tránh lộ, lọt thông tin bí mật nhà nước ra ngoài trong quá trình soạn thảo. Đại biểu Âu Thị Mai đề nghị tiếp tục rà soát một số quy định về quyền cơ bản của công dân và các quy định khác để bảo đảm thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật An ninh quốc gia, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin mạng…
Cùng với đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị nghiên cứu bổ sung một số điều quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước; cho rằng việc phân loại bí mật nhà nước như dự thảo Luật (ở 03 cấp độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật) là phù hợp. Đại biểu Âu Thị Mai tán thành quy định về thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật và Tối mật, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật./.