Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai phát biểu tại kỳ họp. |
Về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có bài phát biểu tại hội trường với quan điểm cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc phát hiện và xử lý khiếu nại tố cáo ngay từ cấp địa phương tránh để vượt cấp, kéo dài.
Đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, năm 2017, công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm giám sát; các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc xem xét, trả lời kiến nghị, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã giảm trên tất cả các tiêu chí.
Mặc dù vậy, theo đại biểu Âu Thị Mai tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt, nhất là các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, bức xúc, kéo dài, vượt cấp gia tăng, tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đa số các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp vẫn là các vụ việc cũ để lại, đã được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhiều lần, nhưng chưa nhận được sự đồng tình của người dân.
Từ thực tế trên, đại biểu Âu Thị Mai đưa ra một số nguyên nhân như việc giải quyết các tố cáo, khiếu nại chưa thực sự thỏa đáng, một số nơi vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Theo đại biểu Âu Thị Mai, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, các cơ quan chức năng cần tập trung vào một số giải pháp như:
Chủ động rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có giải pháp chỉ đạo xử lý dứt điểm ngay tại cơ sở, đồng thời phải tăng cường kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo cũng như các trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối, làm mất trật tự an toàn xã hội.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo phải bảo đảm dân chủ, khách quan, đánh giá đúng bản chất vụ việc để có giải pháp toàn diện trong xử lý và kiến nghị xử lý, không để nhân dân bức xúc, phát sinh điểm nóng. Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác giám sát về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, bố trí tái định cư và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi. Đồng thời tích cực theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Âu Thị Mai, các dự án di dân tái định cư trong đó có tái định cư thủy điện trên cả nước còn tồn tại tình trạng khiếu kiện kéo dài liên quan đến vấn đề đền bù, tái định cư, vì vậy đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, ưu tiên, bố trí đủ nguồn kinh phí cho các địa phương, trong đó có dự án tái định cư Thủy điện Tuyên Quang thực hiện hoàn thành mục tiêu Dự án tái định cư thủy điện nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân và cũng là ổn định lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.