Đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà thảo luận dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). |
Đại biểu Hứa Thị Hà nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình lần này, báo cáo đã nêu rõ nhiều quan điểm giải trình rất cụ thể rõ ràng và nhiều căn cứ để giải trình những quan điểm còn ý kiến khác nhau từ kỳ họp thứ 3 vừa qua các đại biểu Quốc hội đã thảo luận góp ý kiến và cũng tiếp thu nhiều ý kiến của các Đoàn ĐBQH góp ý. Để tiếp tục khẳng định thêm về quan điểm của mình và theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, đại biểu Hứa Thị Hà phát biểu một số nội dung cụ thể như sau:
Vấn đề thứ nhất: Theo như báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dù đã đưa ra nhiều lý do về phạm vi đối với khoản nợ tự vay, tự trả của Doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên đại biểu vẫn thấy băn khoăn về phạm vi của nợ công nếu như Quốc hội không cân nhắc nội dung này được điều chỉnh trong dự án luật, đại biểu thấy băn khoăn ở chỗ: Trong khi các khoản Doanh nghiệp nhà nước vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh thì lại được tính trong phạm vi nợ công, trong khi cũng cùng là Doanh nghiệp nhà nước mà các khoản vay theo cơ chế khác thì lại không được quy định trong phạm vi của Luật.
Trên thực tế cho thấy, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm phải trả nợ cho các Doanh nghiệp trong trường hợp Doanh nghiệp khó khăn hoặc rủi ro do thiên tai không thể trả được nợ. Như vậy thì người trả nợ thay cuối cùng sẽ vẫn là Nhà nước, vậy khoản nợ vay đó có được coi là khoản nợ công hay không?. Đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét kỹ hơn.
Vấn đề thứ 2: Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đại biểu Hứa Thị Hà thống nhất với quy định tại Khoản 1, Điều 15 như trong Dự thảo luật trình Quốc hội lần này là giao cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm là đầu mối quản lý nhà nước về nợ công. Ở đây, quy định Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công là đúng đắn và cần thiết, tránh tình trạng quản lý nợ công còn phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ với việc quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công như trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ: Nghị quyết hội nghị TW6 (khóa XII) về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính. Như vậy, là phù hợp với việc sửa đổi và quy định ngay trong dự luật để tập trung trách nhiệm, tập trung hành động... giảm thủ tục hành chính, một cơ quan chịu trách nhiệm chính và cũng phù hợp với thông lệ Quốc tế.
Tuy nhiên, tại Khoản 3, Điều 15. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ. Đại biểu Hà đề nghị cần quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong quản lý nợ công, nếu chỉ quy định chung chung, không xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong Luật sẽ dẫn đến nhiều nội dung phải giao Chính phủ quy định, sẽ dẫn đến tình trạng “luật khung, luật ống”, chậm đi vào thực tiễn cuộc sống vì Luật chờ Nghị định, Nghị định phải chờ Thông tư...
Vấn đề thứ 3: Điều 37. Chi phí quản lý cho vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại
Đại biểu Hứa Thị Hà cho rằng, cần có cơ chế đặc thù về quản lý rủi ro cũng như chế tài cho vay lại đối với các khoản nợ công thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý. Theo đó, mức dự phòng rủi ro cho vay lại quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 37 tối đa là 1,5%/năm trên số dư nợ vay lại là quá thấp so với dự phòng ngân sách nhà nước hay dự phòng trong đầu tư xây dựng, không đủ bù đắp nếu xảy ra vỡ nợ hay chậm trả nợ. Vì vậy, đề nghị xem xét lại mức này cho phù hợp hơn./.