Đại biểu Quốc hội Hứa Thị Hà thảo luận tại Hội trường. |
Trên cơ sở nghiên cứu “Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, đại biểu Hứa Thị Hà cho rằng trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thông qua ngày 27-7-2017 và dự kiến sẽ được ban hành trong quý I năm 2018, nhưng theo kế hoạch trước (Quyết định 404), đến tháng 6-2016 đã phải ban hành chương trình mới, như vậy, việc ban hành chương trình mới bị chậm gần 2 năm. Theo đó việc thực hiện lộ trình nêu tại nghị quyết 88, năm học sắp tới, năm học 2018-2019 triển khai cho Lớp 1, lớp 6 và lớp 10 là rất khó khả thi. Do đó, đại biểu Hứa Thị Hà đề nghị việc điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là cần thiết để đảm bảo chất lượng. Về nội dung điều chỉnh đại biểu Hà cho ý kiến cụ thể vào một số nội dung như:
Thứ nhất, về nội dung điều chỉnh: Theo Nghị quyết số 88 thì trong ba năm đầu tiên, mỗi năm triển khai 3 lớp, năm thứ tư 2 lớp, năm thứ năm 1 lớp, còn phương án điều chỉnh thì ngược lại, năm đầu tiên 1 lớp, năm thứ hai 2 lớp, ba năm cuối mỗi năm 3 lớp, như vậy công việc bị đổ dồn vào 3 năm cuối thay vì 3 năm đầu. Theo đó, thực hiện theo phương án điều chỉnh có ưu điểm làm giảm áp lực trong thời gian trước mắt và sau khi triển khai lớp 1 thuộc cấp tiểu học ở năm đầu tiên, chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho lớp 6 thuộc cấp trung học cơ sở ở năm thứ hai, và tương tự như vậy chúng ta có thể rút kinh nghiệm cho lớp 10 thuộc cấp trung học phổ thông ở năm thứ ba khi đã có kinh nghiệm ở cả cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, với nhận định thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn là 5 năm và điều này không làm phát sinh kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa như trong tờ trình là chưa thỏa đáng vì rõ ràng, ở cấp tiểu học chúng ta bị chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm theo lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội.
Thứ hai, về lộ trình thực hiện: trong Phụ lục 5 về Lộ trình xây dựng, thực hiện có nêu, đến hết quý I năm 2018 mới ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông mới và đến quý II năm 2018 mới Biên soạn tài liệu và tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, như vậy, bắt đầu từ quý III năm 2018 mới bắt đầu triển khai biên soạn sách giáo khoa, vậy mà đến quý III năm 2019 đã triển khai cho lớp 1. Theo tính toán, chúng ta chỉ có 1 năm (theo kế hoạch trước chúng ta có 2 năm để thực hiện) cho rất nhiều công việc trước khi năm học bắt đầu, bao gồm: biên soạn sách giáo khoa, thẩm định, biên tập, xuất bản, phát hành một lượng lớn, hơn nữa phải có sách sớm trong dịp hè để tập huấn giáo viên chứ không phải được đến thời hạn khi năm học bắt đầu.
Một điểm nữa cần lưu ý là trong báo cáo thực hiện Nghị quyết số 88 có nêu một trong các nguyên nhân của việc chậm tiến độ là: Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là một công việc mới đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chuyên gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nên công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng. Như vậy, liệu chúng ta có còn gặp khó khăn gì nữa không khi biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh? Hơn nữa trong thời gian rất gấp chỉ trong 1 năm thay vì 2 năm như dự định. Do đó, đại biểu đề nghị việc biên soạn sách giáo khoa cần hết sức cẩn trọng, một lỗi nhỏ trong sách giáo khoa nhưng được triển khai rộng thì có ảnh hưởng rất lớn.”
Thứ ba, theo nghị quyết 88 của Quốc hội thực hiện thời gian qua chưa được rõ tiến độ. Theo Quyết định 404, đến tháng 6-2016 phải ban hành chương trình mới (gồm chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục) nhưng theo ghi chú 20 (trang 10) thì sau ngày 15-9-2016 việc tuyển chọn Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, các Chủ biên và tác giả chương trình môn học mới được thực hiện. Như vậy, việc tuyển chọn Tổng chủ biên, Chủ biên và tác giả chương trình môn học lại sau ngày dự kiến ban hành chương trình mới là 3 tháng. Cũng liên quan đến vấn đề này, trang 2 và trang 3 của báo cáo lại nêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến lần 1 (từ ngày 5-8-2015 đến ngày 21-9-2015), như vậy lần 1 đăng tải dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo là năm 2015 khi chưa tuyển chọn Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông diễn ra vào năm 2016. Một điểm băn khoăn khác nữa về tiến độ thực hiện xây dựng chương trình được đại biểu Hà đề cập là lần đăng tải thứ 2 dự thảo chương trình để xin ý kiến là từ ngày 12-4-2017 đến ngày 29-4-2017, như vậy hai lần đăng tải để xin ý kiến cách nhau gần 2 năm. Đại biểu Hứa Thị Hà cho rằng cần rút ngắn thời gian giữa hai lần xin ý kiến để chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sớm hoàn thiện sớm để làm căn cứ xây dựng các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.