ĐBQH Ma Thị Thúy thảo luận về công tác phòng, chống thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng ngày 31-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2018-2020.

Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã có bài phát biểu tại hội trường về hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc và công tác ổn định đời sống tại các vùng tái định cư thủy điện, trong đó có thủy điện Tuyên Quang.

Đại biểu Ma Thị Thúy cơ bản tán thành với Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp. Trong bài phát biểu, đại biểu Thúy đề cập đến một số vấn đề đáng quan tâm trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đó là “hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai ở các tỉnh miền núi phía Bắc”, trong đó: công tác dự báo về phòng, chống thiên tai nhằm ứng phó kịp thời với những tình huống xảy ra, bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân trong thời gian qua còn hạn chế gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân;...


Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội trường.

Những vấn đề trên, theo đại biểu thì đó chính là do những hệ lụy của một số cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, nhưng chậm đi vào cuộc sống, chưa được triển khai cụ thể và hiệu quả ở các cấp cơ sở... do đó, chất lượng cuộc sống, đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, vùng di dân tái định cư các công trình thủy điện.

Đại biểu cho rằng, trong những năm vừa qua, khu vực miền núi phía Bắc chịu tác động ảnh hưởng lớn của một số loại hình thiên tai điển hình như: sương muối, rét đậm, rét hại, mưa đá, gió lốc, lũ quét, sạt lở đất và có xu hướng gia tăng cả về cường độ, phạm vi ảnh hưởng và ngày càng cực đoan, bất thường. Cùng với việc phát triển nhanh về kinh tế, xã hội nhu cầu khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, nạn phá rừng gia tăng đã làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

Điển hình là năm 2017, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất làm chết nhiều người và thiệt hại lớn về kinh tế và phải mất nhiều thời gian để khắc phục. Mặc dù công tác phòng, chống thiên tai đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm triển khai thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo; rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án PCTT; di chuyển dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, qua thực tiễn về hậu quả của các đợt thiên tai vừa qua cho thấy công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai chưa kịp thời, còn bị động với những tình huống xảy ra; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chưa tốt, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, bất cẩn dẫn đến thiệt hại đáng tiếc; lực lượng, phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác PCTT còn rất hạn chế nhất là các thiết bị chuyên dùng trong công tác dự báo, công tác cứu hộ, cứu nạn; công tác quy hoạch, kế hoạch di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vẫn còn chậm..., do đó khi có những diễn biến thiên tai bất ngờ xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân các tỉnh miền núi, nơi đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, việc chủ động phòng, chống là vấn đề then chốt, quan trọng và cần thiết, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các địa phương. Đại biểu đề nghị:

(1) Chính phủ sớm xây dựng được quy hoạch tổng thể những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, trong đó có những khu vực nguy hiểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai để từ đó có những cơ chế, chính sách đầu tư và xây dựng các chương trình, dự án phòng, chống, khắc phục do thiên tai gây ra, nhất là dự án về sắp xếp, di chuyển dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm tránh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân; tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục, kiên quyết đối với những hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đồng thời đảm bảo các điều kiện để ổn định, nâng cao đời sống của người dân tại nơi tái định cư.

(2) Xây dựng hệ thống các trạm quan sát khí tượng thủy văn hiện đại, đồng bộ để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm, nhất là lũ quét, sạt lở đất... kịp thời, chính xác để các cấp, các ngành, người dân biết, chủ động các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra. Đầu tư xây dựng, kiểm tra, rà soát, kịp thời nâng cấp sửa chữa, khắc phục sự cố các công trình bị hư hỏng do thiên tai gây ra.

(3) Từ thực tế công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tuyên Quang, đại biểu cho rằng cần làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, vì rừng là lớp che phủ rất quan trọng có tác dụng giữ, điều hòa nước, chống trơn trượt; nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi mất đi lớp thảm thực vật che phủ này, dù có thay thế bằng lớp thảm khác gồm những cây công nghiệp, cây ăn quả được trồng sau đó hiệu quả giữ nước này sẽ không thể đảm bảo, đặc biệt, với địa hình đồi núi dốc như ở phía Bắc, mưa lũ xảy ra nước sẽ trôi tuột xuống hạ lưu do không còn lớp thảm níu giữ. Song song với đó, phải có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, khi người dân trực tiếp thấy được những tác hại của việc mất rừng, họ được khơi dậy những nhận thức đúng thì sẽ tham gia bảo vệ rừng tốt hơn, qua tiếp xúc, nắm bắt tình hình cử tri cũng ủng hộ chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ hiện nay.

(4) Để thực hiện được các biện pháp trên thì cần phải dành nguồn kinh phí cấp thỏa đáng, kịp thời cho các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc nơi thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất... để chủ động thực hiện các chương trình, dự án như: di chuyển dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm; xây dựng bổ sung các trạm khí tượng, thủy văn; xây dựng, sửa chữa khắc phục các công trình bị hư hỏng; quản lý bảo vệ rừng; mua sắm trang thiết bị, phương tiện... phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trước mắt và bền vững lâu dài trong tương lai.

(5) Một trong những vấn đề quan trọng trong công tác tái đinh cư, ổn định dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh có dự án di dân tái định cư thủy điện hiện nay đang đặt ra những thách thức cả về chủ quan và khách quan, trong đó một trong những nguyên nhân chủ quan làm cho sự bị động, thiếu tính ổn định bền vững của các chính sách đầu tư chưa đến nơi đến chốn cho các dự án tái định cư thủy điện. Như Dự án quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1766 từ năm 2011 với tổng mức đầu tư được duyệt là 1.868 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ mới cấp cho tỉnh vốn thực hiện đến hết kế hoạch năm 2017 là 919,331 tỷ đồng, vốn chưa được phân bổ là 949,504 tỷ đồng. Nhiều đầu điểm hạng mục, công trình trong Quyết định số 1766/2011 đã được tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân tái định cư từ năm 2011, 2012 nhưng đến nay chưa có kế hoạch vốn để thực hiện đầu tư xây dựng, đặc biệt là hỗ chương trình di dân tái định cư, bổ sung đất ở, đất sản xuất, ổn định đời sống, phòng tránh thiên tai.

Sau hơn 15 năm thực hiện dự án thủy điện các hộ dân về nơi ở mới tái định cư đang gặp rất nhiều khó khăn, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhân dân... nhưng quan trọng hơn đó là sự lợi dụng của các thế lực xấu, lôi kéo, xui khiến, kích động người dân phản đối, viết đơn thư, kiến nghị, đề nghị vượt cấp…, nhằm làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, gây áp lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương... Để giúp cho tỉnh thực hiện tốt các nội dung của dự án, sớm hỗ trợ cho các hộ ổn định cuộc sống, an toàn ở những nơi ở mới, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí ngay kinh phí để thực hiện hoàn thành mục tiêu cho các dự án di dân tái định cư Thủy điện của đất nước, trong đó có Thủy điện Tuyên Quang.

Theo báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục