Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về những điều còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển thành phố Hồ Chí Minh và Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Tuyên Quang chủ trì phiên họp tổ tại tổ 12 gồm các tỉnh Tây Ninh, Quảng Trị, Sơn La và Tuyên Quang.
Theo tờ trình của Chính Phủ, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước của cả nước. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đang chậm lại, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cản trở sự phát triển bền vững.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Tuyên Quang chủ trì phiên họp tại tổ. |
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, Thành phố là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển bền vững. Báo cáo cũng đưa ra số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu nói trên, ngân sách Thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố. Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc cần tạo sự chủ động hơn cho chính quyền Thành phố trong việc xem xét, quyết định dự toán ngân sách hàng năm nhưng vẫn phù hợp với định hướng phát triển các lĩnh vực quan trọng của Chính phủ, Quốc hội. Đồng thời, đề nghị Thành phố cần ưu tiên cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.
Phát biểu tại phiên họp tổ, đại biểu Hoàng Bình Quân cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc có một động lực, một cơ chế mạnh mẽ để cho thành phố phát triển để xứng tầm với tiềm năng góp phần chung vào sự phát triển, tăng trưởng của kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Quân cũng thẳng thắn đề nghị cần xem xét lại cách đặt vấn đề về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đó là vấn đề đặt ra không phải chỉ để giải quyết những khó khăn hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh mà mục tiêu lớn hơn là phải có chính sách đặc thù để thực hiện sự phát triển, đánh thức tiềm năng vốn có của thành phố Hồ Chí Minh, để thành phố Hồ Chí Minh thực sự là đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước, như vậy mới đúng và mới có tầm nhìn chiến lược để phù hợp với các chính sách khác về sau này. Đại biểu cũng đề nghị trước khi ban hành cơ chế đặc thù cho một địa phương thì cũng cần xem xét đến sự ảnh hưởng của nó đến địa phương khác, nhất là các địa phương xung quanh để có phương án, tính toán phù hợp cho các địa phương cùng phát triển; riêng cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh đại biểu Quân đề nghị cần nhìn nhận và làm rõ một thực tế tại sao sau 10 năm với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như thế nhưng thành phố Hồ Chí Minh vẫn thu hút đầu tư chưa thực sự cao, có phải do thiếu chính sách hay không? hay do quản lý yếu kém? nếu do quản lý yếu kém thì không cần phải cải thiện chính sách nhiều, do đó cần phải trả lời được thì mới bàn đến việc ban hành các chính sách đặc thù ở mức độ, quy mô như thế nào cho phù hợp.
Đồng quan điểm, đại biểu Chẩu Văn Lâm cho rằng với thành phố Hồ Chí Minh việc ban hành cơ chế riêng sẽ là động lực để tạo sự phát triển mạnh mẽ, do đó sự cần thiết phải có tính toán và giải thích chặt chẽ hơn, nhất là giải thích làm rõ về những chính sách hiện nay làm cản trở sự phát triển của thành phố thì cần phải có chính sách mới thay thế để thành phố Hồ Chí Minh phát triển hơn. Về tên Nghị quyết, đại biểu Chẩu Văn Lâm cảm thấy băn khoăn có nên dùng từ “đặc thù” hay không? hay chỉ để là thí điểm một số cơ chế chính sách cho thành phố Hồ Chí Minh thôi, bởi việc trao cho thành phố Hồ Chí Minh những cơ chế đặc thù liệu có thể sẽ trở thành một tiền lệ để những tỉnh, thành phố khác cũng đề nghị được cơ chế đặc thù. Vì vậy, đại biểu Chẩu Văn Lâm đề nghị việc để cho thành phố Hồ Chí Minh những cơ chế riêng hay đặc thù cần phải thật thận trọng, xem xét kỹ trước khi thông qua.
Về Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), đại biểu Chẩu Văn Lâm cho rằng cần bỏ sung, giải thích, sửa lại một số từ ngữ, thuật ngữ trong Luật để tránh gây khó hiểu, khó tiếp cận với người dân. Cụ thể: Giải thích từ ngữ (Điều 3): Đề nghị bổ sung giải thích cụm từ “phòng không nhân dân”, được quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 10. Tại khoản 5, giải thích “Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ...” không thống nhất về phạm vi quy định tại khoản 2, Điều 3: “Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Để đảm bảo các hoạt động về tinh thần của người Việt Nam ở nước ngoài nằm trong thế trận quốc phòng toàn dân, đề nghị bổ sung cụm từ “và ngoài lãnh thổ” vào khoản 5, cụ thể: “Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ và ngoài lãnh thổ”. Khoản 13: Đề nghị bỏ cụm từ "đã xảy ra hành động xâm lược" thành “13. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược; bạo loạn có vũ trang, nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh”. Vì nếu để cụm từ trên không phân biệt rõ với tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và tình trạng chiến tranh quy định tại Điểm 9, Điều 3. Đề nghị sử dụng 1 tên cố định là "Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, không nên sử dụng cách gọi khác là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như khoản 3 Điều 4, Khoản 2 Điều 31, Khoản 1 Điều 39 đã sử dụng.
Đại biểu Hoàng Bình Quân đề nghị về mặt kỹ thuật cần điều chỉnh lại cho chặt chẽ hơn, cụ thể, như Điều, 11 trong Dự án Luật quy định về giáo dục Quốc phòng, đại biểu cho rằng đây là nhiệm vụ của toàn xã hội vì thế cần quy định ở mức 1 “phổ biến kiến thức quốc phòng” lên đầu tiên và thêm cụm từ “tuyên truyền” để trở thành “tuyên truyền phổ biến kiến thức quốc phòng” sau đó mới đến mức đối tượng khác, bởi kiến thức quốc phòng cần được tuyên truyền rộng rãi để nâng cao ý thức, nhận thức cho người dân, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu .