Đại biểu Âu Thị Mai tán thành sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn hoạt động an ninh trật tự, vừa đảm bảo quyền công dân trong việc tiếp cận thông tin theo đúng quy định của Hiến pháp 2013. Đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. |
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh về bí mật nhà nước bao gồm hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ bí mật nhà nước; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước. Đại biểu Mai cho rằng quy định như dự thảo Luật còn chung chung, không xác định được các lĩnh vực, các loại thông tin được xác định là bí mật nhà nước, quy định này rất dễ dẫn tới sự lạm dụng để ban hành danh mục bí mật nhà nước, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân. Do vậy, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ tiêu chí xác định mức độ nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc làm căn cứ xây dựng danh mục bí mật nhà nước bảo đảm chặt chẽ, chính xác và thống nhất.
Đại biểu Mai cũng đề nghị tách phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng thành 2 điều và chuyển Điều 2 của dự thảo luật sang Điều 3 giải thích từ ngữ. Về nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước đại biểu Âu Thị Mai cho ý kiến: Hiến pháp năm 2013 đã quy định "công dân có quyền tiếp cận thông tin, có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của đất nước". Do đó ngoài các nguyên tắc đã quy định trong dự thảo luật, Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung các nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước nhưng không tách rời quyền và lợi ích của công dân, ngoại trừ những bí mật mà việc bị tiết lộ sẽ gây tổn hại cho quốc gia, dân tộc, vì nếu chỉ quy định như dự thảo mà không có cơ chế giám sát, xử lý hay ngăn chặn xu hướng “mật hóa" tràn lan, có thể sẽ gây ra những vấn đề mà người dân lẽ ra được tiếp cận nhưng lại bị hạn chế.
Về phạm vi, danh mục và công tác thống kê, lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước, tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng:
Về phạm vi bí mật nhà nước: Điều 9 dự thảo Luật quy định 4 nhóm phạm vi bí mật nhà nước, gồm: Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần giữ bí mật; các phát minh sáng chế, giải pháp khoa học, công nghệ cần giữ bí mật; cơ cấu, tổ chức hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị cần giữ bí mật; tài nguyên, ngân sách, vũ khí, phương tiện, cơ sở vật chất cần giữ bí mật. Đại biểu nhận thấy quy định như dự thảo chưa đảm bảo khái quát đầy đủ phạm vi bí mật nhà nước, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung phạm vi bí mật nhà nước đối với một số trường hợp thuộc lĩnh vực bí mật nhà nước khác chưa được công khai theo quy định tại điều 2 của dự thảo luật, bởi bí mật nhà nước là những thông tin quan trọng, thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai, nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về danh mục bí mật nhà nước: Thực tế cho thấy việc xác định danh mục bí mật nhà nước rất khó, vì bao hàm trên nhiều lĩnh vực, điều này càng được thể hiện rõ hơn bởi theo như Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh vấn đề này có tới 4 loại ý kiến khác nhau. Về quan điểm cá nhân đại biểu cơ bản đồng tình với quy định về thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước như dự thảo Luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc việc giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập danh mục bí mật nhà nước của địa phương. Bởi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố không thể bao quát hết được các lĩnh vực công tác, mà lại giao cho các sở, ban, ngành đề xuất danh mục bí mật nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực, dẫn đến việc mỗi tỉnh, thành phố sẽ có danh mục bí mật nhà nước nội dung khác nhau, tùy theo cảm nhận, đánh giá của từng địa phương. Do vậy, để tạo sự thống nhất trong việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của quốc gia, theo đại biểu nên chăng dự thảo Luật giao cho Chính phủ là cơ quan ban hành danh mục bí mật nhà nước ở chế độ Tuyệt Mật, Tối Mật trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; còn tài liệu chế độ Mật do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành theo chức năng, nhiệm vụ, để tạo nên sự ổn định của danh mục, tránh việc lợi dụng bảo vệ bí mật nhà nước làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Về thống kê, lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước: Tại Khoản 4 Điều 13 quy định “Nơi lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước phải được xây dựng kiên cố; cửa ra, vào có khóa bảo vệ chắc chắn; trang bị phương tiện phòng, chống cháy, nổ; chống đột nhập, chiếm đoạt bí mật nhà nước”. Song trên thực tế hiện nay với những công nghệ và kỹ thuật hiện đại con người có thể không cần đột nhập mà vẫn có thể chiếm đoạt được bí mật nhà nước, do vậy tôi đề Ban soạn thảo thiết kế lại khoản này để đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ “Nơi lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước phải được xây dựng, trang bị các thiết bị chống chống đột nhập, chống chiếm đoạt bí mật nhà nước, chống cháy, nổ, bị tiêu hủy”.
Về tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước: Khoản 4 Điều 14 dự thảo Luật quy định: "Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải tổ chức ở nơi bảo đảm an toàn và đúng đối tượng. Thông tin phổ biến, nghiên cứu, trao đổi phải đúng nội dung được phê duyệt và bảo vệ theo quy định của Luật này". Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có sử dụng, trao đổi thông tin bí mật nhà nước chưa được kiểm soát chặt chẽ về địa điểm tổ chức, thành phần, đối tượng tham dự, phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn, dẫn đến nguy cơ lộ bí mật nhà nước là rất cao. Vì vậy, đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, làm rõ hơn quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước nhằm hạn chế tối đa việc lộ thông tin bí mật nhà nước qua các hoạt động hội nghị, hội thảo, cuộc họp.
Về thời hạn và việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đại biểu Âu Thị Mai cho biết vấn đề này dự thảo Luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước: Tuyệt mật: 30 năm; Tối mật: 20 năm; Mật: 10 năm. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên trên thực tế có những tài liệu mật cần được bảo vệ lâu dài, chứ không phải chỉ 10 năm, 20 năm hay 30 năm. Do vậy, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban Soạn thảo cần phải làm rõ cơ sở nào quy định các thời hạn bảo vệ bí mật là 10 năm, 20 năm, 30 năm và thời hạn gia hạn bao nhiêu lần.