Bế mạc Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII: Thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội

Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, ngày 26-7, Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Các đồng chí: Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Kim Long chủ trì kỳ họp.
Video không hợp lệ

Dự kỳ họp có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh; Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Cục địa phương - Văn phòng Chính phủ; Đoàn ĐBQH của tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII; lãnh đạo các ban đảng Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố; đại diện Thường trực HĐND 70 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Sau 4 ngày làm việc, HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét một cách kỹ lưỡng và thống nhất cao thông qua 20 nghị quyết điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Sáng 26-7, các đại biểu xem xét và thông qua các nghị quyết về Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quy định mức thu, đối tượng thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; về bãi bỏ Nghị quyết số 02/2012/NQ-HĐND ngày 18/7/2012 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định mức thu phí đấu giá, phí tham gia đấu giá tài sản và phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; về bổ sung danh mục công trình, dự án thu hồi đất và danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; về điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; về Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Tại phiên chất vấn chiều ngày 26-7, các vấn đề về: vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng nước sinh hoạt và đào tạo nghề được các đại biểu thống nhất biểu quyết chất vấn tại kỳ họp.


Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.

Các đại biểu đã nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm soát đối với các cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng vẫn tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh; thực trạng chất lượng nước sinh hoạt, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Đồng thời các đại biểu cũng chất vấn, yêu cầu lãnh đạo ngành Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ thực trạng chất lượng đào tạo và vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội đã trả lời, giải đáp các thắc mắc của đại biểu. Trong đó, nêu rõ thực trạng của một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng nước sinh hoạt và đào tạo nghề. Về các giải pháp khắc phục trong thời gian tới, lãnh đạo các ngành sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý... Giải pháp trước mắt là rà soát toàn bộ thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt, cơ sở đào tạo nghề để đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhất.

Kết luận phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng phần trả lời chất vấn của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã thể hiện đúng trọng tâm, chỉ rõ được những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân, trách nhiệm của các ngành và giải pháp khắc phục, giải quyết các vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu. Đồng chí nhấn mạnh, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; nước sạch và đào tạo nghề là những vấn đề được cử tri trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Đồng chí đề nghị các ngành liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu, quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân về nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Từng bước có giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi các sản phẩm an toàn.

Về vấn đề nước sạch sinh hoạt, đồng chí cho rằng vấn đề quản lý nước sạch sinh hoạt còn nhiều tồn tại, hạn chế. HĐND tỉnh đề nghị Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh quản lý chặt chẽ các cơ sở cung cấp nước sinh hoạt. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ đạo rà soát các công trình cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn để từng bước khắc phục, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho nhân dân.

Vấn đề đào tạo nghề, HĐND tỉnh yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác tham mưu về đào tạo nghề, tăng cường hoạt động tư vấn cho người học trước khi đào tạo. Tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết đào tạo và đảm bảo việc làm sau khi đào tạo nghề...

Tiếp thu ý kiến tại kỳ họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm trong các phiên thảo luận và chất vấn. Về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2017, ngoài các giải pháp đã nêu trong báo cáo trình tại kỳ họp, ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Kỳ họp lần thứ 4, HĐND tỉnh khoá XVIII thông qua. Đồng chí yêu cầu UBND các huyện, thành phố và các ngành cần nghiêm túc phân tích rõ những tồn tại, hạn chế; xác định nguyên nhân để đề ra các giải pháp phù hợp; triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm với quyết tâm chính trị cao nhất, phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch của năm 2017.


Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Tổ đại biểu HĐND huyện Chiêm Hóa tham gia chất vấn tại kỳ họp.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh rà soát, đánh giá cụ thể, nghiêm túc tình hình, kết quả thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch đã đề ra, có các giải pháp, biện pháp cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của năm 2017.

Nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời có các giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật, nguồn nguyên liệu, vốn kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hoàn thành giá trị sản xuất công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết nhanh chóng các thủ tục để triển khai thực hiện các dự án.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chủ động công tác thông tin về tình hình cung - cầu, giá cả thị trường cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 28-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện tốt quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện cải cách hành chính, trong quản lý, sử dụng công chức, viên chức và người lao động; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh. Nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp, nảy sinh ngay từ cơ sở.

Tin cùng chuyên mục