Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc

Thảo luận tại Kỳ họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết nhằm phát triển KT - XH, trong đó nhấn mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và thực hiện hiệu quả các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc…

Hướng tới nông nghiệp sạch

Là một tỉnh miền núi, KT - XH còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, nên định hướng phát triển nông nghiệp bền vững là nội dung được nhiều đại biểu thảo luận. Thời gian qua, nông nghiệp của tỉnh đã có sự bứt phá, hình thành một số mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Việt (huyện Chiêm Hóa) cho rằng, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún; người dân chưa mạnh dạn thay đổi phương thức, chưa tận dụng đất đai để tập trung sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không có nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp của các cơ sở kinh doanh, xử phạt nghiêm nếu phát hiện ra sai phạm. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.


Đại biểu Vương Thị Mỵ thảo luận tại kỳ họp

Đại biểu Đỗ Thị Nhung (huyện Sơn Dương) nhấn mạnh, việc liên kết 4 nhà Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp còn mờ nhạt, nông dân vẫn phải tự tìm thị trường tiêu thụ nông sản, do đó khó tránh khỏi câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa. Vì thế, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cho sản xuất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất chuyên canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại cho những nông sản có khả năng xuất khẩu như: Trà khô, mía đường, cam…; chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký, bảo hộ, chỉ dẫn địa lý; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ quảng bá giới thiệu nông sản của tỉnh tại các hội chợ trong nước và quốc tế.

Bảo đảm hỗ trợ đúng, đủ, kịp thời

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm yêu cầu: UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy hoạch, dự án, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện Kế hoạch xây dựng NTM năm 2017. Song song đó, làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, bảo đảm an sinh xã hội.

Đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành trong triển khai thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như: Chương trình 135; hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS... góp phần quan trọng giúp đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từng bước vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tuy nhiên, đại biểu Lý Minh Bình (huyện Hàm Yên) chỉ ra một số bất cập: Công trình nước sạch tập trung vừa khởi công đưa vào sử dụng đã hỏng; việc điều tra, khảo sát lập kế hoạch đầu tư xây dựng theo Chương trình 135 chưa sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thi công…

Theo đại biểu, nên bố trí các khoản kinh phí hỗ trợ người nghèo, đồng bào DTTS ngay từ đầu năm để kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, tiến độ thi công và công tác quản lý, sử dụng các công trình đầu tư; tăng cường hướng dẫn kỹ thuật đối với các hộ gia đình để bảo đảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Còn theo đại biểu Tăng Thị Dương (huyện Yên Sơn), việc hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các hộ nghèo, cận nghèo sản xuất hàng hóa, giống cây trồng, vật nuôi theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh rất thiết thực nhưng chưa được triển khai kịp thời, số tiền hỗ trợ không lớn. Chậm hỗ trợ lãi suất, do việc thẩm định của các cơ quan chức năng còn rườm rà, thiếu khoa học, kéo dài thời gian người dân được nhận tiền hỗ trợ. Đại biểu đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu lại quy trình thẩm định, bảo đảm hỗ trợ đối tượng thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời.

Cũng tại phiên thảo luận, lý giải băn khoăn của đại biểu huyện Hàm Yên về một số công trình cấp nước sạch kém hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Công Hàm cho biết: Hiện trên địa bàn có 99 công trình nước sạch bị hư hỏng, do ô nhiễm nguồn nước, nguồn nước bị cạn kiệt, một phần do công tác quản lý, vận hành sau đầu tư chưa đúng. Với công trình còn tu sửa được, Sở sẽ cùng địa phương triển khai thực hiện; công trình đã hư hỏng nặng, không còn khả năng khắc phục, sẽ tiến hành thanh lý. Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giá nước, phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét lại kế hoạch triển khai cho phù hợp với từng địa phương.

Theo Báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục