Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp khá sôi nổi với các vấn đề được cử tri trong tỉnh đặc biệt quan tâm, trong đó có chất lượng giáo dục - đào tạo và giải quyết việc làm... Đại biểu nhấn mạnh: Việc mở các lớp dạy nghề không nên chạy theo chỉ tiêu, số lượng, mà phải gắn với nhu cầu thực tiễn, bảo đảm người lao động sống được bằng nghề mà mình đã chọn.

Bảo đảm người lao động sống được bằng nghề

“Phần trả lời chất vấn của trưởng các sở, ngành đã thể hiện đúng trọng tâm, chỉ rõ được hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân, trách nhiệm của các ngành và giải pháp khắc phục. Đề nghị các ngành liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu, quản lý về vệ sinh ATTP. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân nguy cơ mất vệ sinh ATTP; từng bước có giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản phẩm an toàn”.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn

Giống như cả nước, câu chuyện thừa lao động, thiếu việc làm được nhiều cử tri Tuyên Quang quan tâm. Đại biểu Ma Việt Dũng (huyện Sơn Dương) chất vấn lãnh đạo Sở LĐ, TB - XH về thực trạng tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường, người học nghề có việc làm ổn định còn thấp, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và nguồn lực của xã hội.

Giám đốc Sở LĐ, TB - XH Hứa Minh Dịch thừa nhận, chất lượng đào tạo nghề mặc dù đã được nâng lên đáng kể, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhận trách nhiệm trước thực trạng số lao động sau khi học nghề tìm được việc làm phù hợp còn khó khăn, có nghề lao động học xong chưa có việc làm, ông Hứa Minh Dịch cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân luồng đào tạo; liên kết với các doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn, tổ chức phiên giao dịch việc làm. Bên cạnh đó, sẽ rà soát nhu cầu học nghề của người lao động tại các địa phương; xây dựng kế hoạch dạy nghề của huyện, thành phố; lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu người học.

Nhấn mạnh phải nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị Sở LĐ, TB - XH tham mưu với UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa chính sách khuyến khích đơn vị dạy nghề hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị và trợ cấp thu hút giáo viên dạy nghề tại các khu, điểm dân cư xa trung tâm. Việc mở các lớp dạy nghề không nên chạy theo chỉ tiêu, số lượng mà phải gắn với nhu cầu thực tiễn, bảo đảm người lao động sống được bằng nghề mà mình đã chọn, tránh lãng phí thời gian, tiền của.

 


Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền chất vấn tại kỳ họp

Bảo đảm an toàn thực phẩm

Nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn cả nước, trong đó có Tuyên Quang, chưa bảo đảm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ngộ độc thực phẩm, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (huyện Chiêm Hóa) chất vấn lãnh đạo Sở Y tế về trách nhiệm của ngành trong việc kiểm soát các cơ sở kinh doanh chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa ký cam kết bảo đảm ATTP. Nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục?

Thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc chưa quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Đào Duy Quyết cho biết, các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố, ở các điểm công cộng không có vị trí kinh doanh cố định... việc xử lý rất khó khăn. Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan ban ngành phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên về vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm ATTP.

Cũng liên quan đến công tác bảo đảm ATTP, đại biểu Lê Thị Kim Dung (huyện Chiêm Hóa) đề nghị lãnh đạo Sở Y tế làm rõ trách nhiệm quản lý của ngành đối với việc sử dụng chất cấm làm phụ gia chế biến thực phẩm gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng và giải pháp trong thời gian tới? Ông Đào Duy Quyết thừa nhận, trên địa bàn vẫn còn một số thực phẩm tồn dư lượng hóa chất không được phép sử dụng. Sau khi nêu một loạt khó khăn, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tới đây, Sở sẽ tham mưu đề xuất tỉnh tăng cường vai trò của UBND các cấp trong công tác bảo đảm ATTP, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đặc biệt, nâng cao năng lực thanh tra chuyên ngành; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm quy mô vừa và nhỏ; đồng thời, triển khai các hoạt động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, giải quyết nhanh chóng vấn đề ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Giải trình thêm về trách nhiệm của ngành công thương trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP theo yêu cầu của Chủ tọa, Giám đốc Sở Công thương Ma Văn Phấn cho biết, Sở sẽ chủ trì, phối hợp tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng, quá hạn sử dụng; ngăn chặn gian lận thương mại trong lưu thông thực phẩm. Tập trung xử lý nghiêm việc vận chuyển, lưu thông các loại thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc.

Theo Báo đại biểu nhân dân

Tin cùng chuyên mục