Các đồng chí: Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Kim Long chủ trì phiên thảo luận.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Cục địa phương - Văn phòng Chính phủ; Đoàn ĐBQH của tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII; lãnh đạo các ban đảng Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố; đại diện Thường trực HĐND 70 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phiên thảo luận. |
Trong phiên thảo luận sáng nay, đã có 15 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường. Các đại biểu đánh giá cao sự quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh và các huyện, thành phố. Kết quả thể hiện ở các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Các đại biểu đã phân tích sâu hơn những tồn tại, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất trong điều hành 6 tháng cuối năm.
Về thực hiện Nghị quyết 10, 12 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung và khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đại biểu Tăng Thị Dương, tổ đại biểu huyện Yên Sơn nêu ra một số bất cập, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết này. Đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục không cần thiết và rút ngắn thời gian thẩm định để kịp thời hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa nêu một số bất cập trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Đại biểu đề xuất, ngành Giáo dục phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các doanh nghiệp, phân luồng học sinh từ bậc học phổ thông, thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh. Các cơ quan chức năng cần khảo sát nhu cầu việc làm để định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Việt, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa phát biểu thảo luận tại kỳ họp. |
Đại biểu Ma Việt Dũng, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp quản lý chặt chẽ các cấu kiện bê tông đúc sẵn, thay đổi thiết kế cho phù hợp để nhân dân dễ lắp đặt, thi công nhà văn hóa theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh.
Về vấn đề đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, đại biểu Vương Thị Mỵ, Tổ đại biểu huyện Yên Sơn chỉ ra sự chậm trễ trong thẩm định cấp phép khai thác dẫn đến chậm tiến độ khai thác gỗ rừng trồng, gây khó khăn cho người trồng rừng và khó đạt chỉ tiêu về tiến độ trồng rừng.
Nhiều ý kiến của các đại biểu khác đề cập đến các vấn đề mà cử tri quan tâm như tạo việc làm, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vấn đề quy hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa và kiến nghị cảnh báo sớm để nhân dân chủ động ứng phó khi các nhà máy thủy điện xả lũ.
Tại phiên thảo luận, đại diện các ngành Nông nghiệp, Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ cũng đã giải trình, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm.
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các cấp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Tích cực chỉ đạo thực hiện Thông báo số 150 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí cũng lưu ý, các địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách mà HĐND tỉnh đã ban hành. Nhất là các nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2020. Bám nắm tình hình cơ sở, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Toàn cảnh phiên thảo luận Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII. |
Buổi chiều, các đại biểu đã nghe, thảo luận và thông qua các Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018-2021; Nghị quyết về giao biên chế công chức và chỉ tiêu hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh năm 2017; Nghị quyết phê duyệt tổng số lượng người làm việc, chỉ tiêu hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức Hội tỉnh Tuyên Quang năm 2017; Nghị quyết về quy định mức trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước của thanh tra tỉnh, thanh tra các sở, thanh tra các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết Quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết Quy định định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và Nghị quyết Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố và ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018-2020.
Trong các nghị quyết đã được thông qua chiều 25-7, có một số nghị quyết có tác động trực tiếp tới đời sống của người dân như Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn và Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Theo đó, tổ chức, cá nhân trồng cam, chè và mía đầu tư hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước được hỗ trợ trợ 50% lãi suất trong 3 năm, tính từ năm thứ 3. Người dân hoặc tổ chức trồng cây keo lai được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, có thể được hỗ trợ trực tiếp bằng cây giống, chi phí vận chuyển và hỗ trợ Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng cơ sở một lần chi phí khảo sát, xác định vị trí, diện tích, ký kết hợp đồng trồng rừng: 50.000 đồng/ha và 10% chi phí quản lý trực tiếp.
Ngày mai (26-7), kỳ họp tiếp tục thảo luận, thông qua một số nghị quyết, chất vấn lãnh đạo các sở, ngành về các vấn đề cử tri quan tâm và bế mạc kỳ họp.