Một số vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định pháp luật về giám sát của Hội đồng nhân dân

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND, là hoạt động thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND theo quy định của pháp luật.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, thực hiện các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, HĐND các cấp tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều cải tiến, đổi mới nội dung cũng như hình thức giám sát. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giámsát tại kỳ họp, giám sát chuyên đề ngày càng được nâng lên, đạt được những kết quả nhất định, góp phần khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND được quy định và hướng dẫn khá chi tiết, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của HĐND nhưng qua thực tiễn hoạt động có một số quy định cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể như sau:

1. Về đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND

Tại điểm a, b, c khoản 1, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND giám sát hoạt động của “UBND, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp”. Tuy nhiên, tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 quy định: “Đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp”. Theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tỉnh là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp. Do vậy, đồng chí Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh không phải là “Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh” nên không thuộc đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh.

Như vậy trên thực tế, trong giám sát hoạt động của “cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” trên địa bàn, đại biểu HĐND tỉnh không thể thực hiện chất vấn đối với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh vì không thuộc đối tượng chất vấn theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5. Vì vậy khi sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần bổ sung thêm đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 đối với “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” nhằm đảm bảo giám sát toàn diện đối với hoạt động cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.

2. Bổ sung thêm đối tượng giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh

Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tỉnh “giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật tại địa phương” và được cụ thể hoá hơn tại điểm b, khoản 1, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND như sau: “Thường trực HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và HĐND cấp dưới...”. Tuy nhiên, Điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định: “Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình”.

Như vậy, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định Thường trực HĐND tỉnh có thẩm quyền giám sát hoạt động Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp nhưng chỉ được quyền yêu cầu giải trình đối với Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân mà không quy định đối với Thủ trưởng “Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” là chưa phù hợp và không thống nhất.

Qua thực tiễn cho thấy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi thuộc thẩm quyền của thủ trưởng một số cơ quan như Bảo hiểm xã hội, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố cần thiết phải thực hiện giải trình về “vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm” song thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ thuộc đối tượng “tham gia giải trình” chứ không phải đối tượng “giải trình” chính.

Từ những phân tích nêu trên, cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 72 theo hướng: “Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và cá nhân có liên quan giải trình và tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm”.

3. Khung thời hạn thực hiện báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND còn chưa rõ ràng

Khoản 1, Điều 26 Nghị quyết 594 quy định: Thường trực HĐND xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, trong đó: “Chậm nhất là ngày 30 tháng 3 và ngày 30 tháng 8 hằng năm, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, bộ phận giúp việc của HĐND cấp xã tổng hợp hợp kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”. Như vậy, Nghị quyết không quy định mốc báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát tính từ thời điểm nào (Ví dụ tính theo mốc thời gian (hằng quý, 6 tháng, năm) hay theo số thứ tự của kỳ họp HĐND). Dẫn đến việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả trình Thường trực HĐND và HĐNDcủa Văn phòng cấp tỉnh, huyện hoặc bộ phận giúp việc của HĐND xãcòn gặp khó khăn.

Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục