Hội đồng dân tộc của Quốc hội khảo sát thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Sáng 29-5, đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội đã làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.
Video không hợp lệ

Dự và làm việc với đoàn khảo sát có đồng chí Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.


Các đại biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về kết quả thực hiện hoạt động giám sát, chấp hành hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh. Theo đó, thực hiện các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay HĐND tỉnh đã có những đổi mới về nội dung cũng như hình thức giám sát. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát tại kỳ họp, giám sát chuyên đề ngày càng được nâng lên, đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm mà người dân quan tâm, khắc phục tồn tại trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh thực hiện 39 cuộc giám sát chuyên đề, 104 cuộc giám sát thường xuyên với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Với phương châm bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, tiếp cận và lắng nghe ý kiến của cử tri, của Nhân dân, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. Việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề đúng, trúng, phương thức giám sát bằng hình ảnh có tác động lớn đối với đối tượng chịu sự giám sát, là cơ sở thuyết phục để cơ quan chịu sự giám sát “tâm phục, khẩu phục”, từ đó kịp thời có giải pháp cụ thể khắc phục tồn tại, hạn chế. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tiếp tục được đổi mới theo hướng thực chất, có sự tranh luận, phản biện sâu về vấn đề chất vấn. Đa số các ý kiến chất vấn đều được trả lời, làm rõ, có giải pháp khắc phục, được đại biểu đồng tình, thống nhất cao. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND được quan tâm triển khai với nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực. Thông qua giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, những tồn tại nhiều năm, cử tri có nhiều ý kiến đã được giải quyết dứt điểm.

Cùng với kết quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh, hoạt động giám sát của HĐND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn được triển khai thực hiện cơ bản theo quy định của pháp luật, bước đầu đạt kết quả tích cực. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp huyện được quan tâm, đi vào nề nếp. Nhiều xã, phường, thị trấn đã tổ chức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND. Đặc biệt năm 2022 HĐND huyện Sơn Dương đã thực hiện giám sát chuyên đề bằng hình ảnh đối với việc quản lý, sử dụng đất công ích 5%. Qua giám sát bằng hình ảnh đã tạo hiệu ứng rất lớn đến cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn trong huyện; các kiến nghị đưa ra trên cơ sở minh chứng cụ thể mang tính thuyết phục cao để UBND huyện tiếp thu, chỉ đạo, tổ chức khắc phục.


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà phát biểu với đoàn giám sát.

Thảo luận tại buổi làm việc, đại biểu cho rằng khái niệm giám sát được quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã phản ánh được đầy đủ, đúng bản chất hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Theo đó, giám sát không chỉ là hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát” mà còn bao gồm cả việc “xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”, điều đó đảm bảo vai trò cơ quan quyền lực nhà nước của Quốc hội và HĐND. Chủ thể thực hiện quyền giám sát của HĐND bao gồm: HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND; trong đó chủ thể mang đầy đủ quyền lực giám sát là HĐND. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có vai trò, trách nhiệm thực thi hoạt động giám sát của HĐND. Để có cơ sở xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, cần xác định rõ vai trò hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Trong đó cần đặc biệt lưu ý ba vai trò chính, đó là: (1) Hoạt động giám sát của HĐND bảo đảm việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND; trên cơ sở đó đảm bảo HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương đại diện cho Nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. (2) Hoạt động giám sát của HĐND giúp tăng cường hiệu lực,  Hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát. (3) Hoạt động giám sát của HĐND góp phần hoàn thiện thể chế, bộ máy nhà nước.

Trao đổi với đoàn khảo sát, các đại biểu đề nghị nhóm chuyên gia quan tâm đến hiệu quả giám sát của HĐND, các yếu tố ảnh hưởng và tiêu chí đánh giá hiệu quả giám sát của HĐND. Theo đó “hiệu quả giám sát của HĐND là hiệu lực thi hành các kiến nghị của hoạt động giám sát tại kỳ họp HĐND, giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND, đem lại kết quả phù hợp với mục đích giám sát, với những chi phí hợp lý về nhân lực, thời gian, vật chất ... cho hoạt động giám sát, góp phần tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác quản lý nhà nước ở địa phương”. Các yếu tố đảm bảo hiệu quả giám sát của HĐND bao gồm: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát của HĐND; Các quy định của Hiến pháp, pháp luật về hoạt động giám sát của HĐND, cụ thể càng quy định cụ thể, chi tiết về thẩm quyền, hình thức, trình tự giám sát thì hoạt động giám sát càng có điều kiện để đạt được hiệu lực, hiệu quả; Cơ cấu, tổ chức bộ máy của HĐND; Nhận thức và trách nhiệm của đối tượng giám sát về hoạt động giám sát; nhận thức, năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm thực hiện chức năng giám sát của đại biểu HĐND; sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện hoạt động giám sát của HĐND; Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát của HĐND.


Đồng chí Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội phát biểu.

Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã chỉ ra một số bất cập trong thực tiễn thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 như: Số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND cấp huyện, cấp xã ít, chưa đáp ứng được đúng yêu cầu để thực hiện hoạt động giám sát theo phạm vi đã được Luật quy định, ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động giám sát. Đối tượng giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ bao gồm thành viên UBND tỉnh, trong khi thực tiễn nhiều vấn đề người giải trình chính phải là Chủ tịch UBND cấp huyện; nên quy định giám sát chuyên đề là thẩm quyền của HĐND và các Ban của HĐND, Thường trực HĐND nên tập trung vào hoạt động giám sát thường xuyên, chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; việc không quy định ở cấp xã được thành lập tổ đại biểu HĐND dẫn đến một số hoạt động của đại biểu chưa thuận lợi…

Kết luận buổi làm việc, đoàn khảo sát đánh giá cao việc triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND của HĐND các cấp trong tỉnh, trong đó có hình thức giám sát minh chứng bằng hình ảnh của HĐND tỉnh, thể hiện sự kế thừa, phát huy, không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tuyên Quang là một trong 3 tỉnh trong cả nước được Hội đồng dân tộc của Quốc hội lựa chọn khảo sát. Từ thực tiễn của tỉnh, những thuận lợi cũng như vướng mắc, bất cập, kiến nghị được trao đổi tại buổi làm việc là cơ sở để đoàn khảo sát tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trong thời gian tới, trình Quốc hội thông qua, đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn.

Phòng Dân nguyện - Thông tin và Tuyên truyền
Ảnh: Ngọc Hưng
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục