Đoàn giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với huyện Sơn Dương.
Qua giám sát trực tiếp tại xã Thiện Kế, xã Đại Phú, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện và báo cáo của Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Sơn Dương. Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021-2023 của huyện Sơn Dương.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh phát biểu tiếp thu ý kiến và kiến nghị một số nội dung liên quan với Đoàn giám sát.
Trong giai đoạn 2021-2023, UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Chỉ đạo điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 71 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phòng LĐTBXH huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện công tác thống kê, tổng hợp báo cáo theo quy định; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, UBND các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị tư vấn tuyển dụng lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài theo hợp đồng lao động. Trung tâm GDNN-GDTX huyện làm tốt công tác đào tạo thường xuyên, liên kết được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh đào tạo trình độ trung cấp nghề chop học viên học chương trình giáo dục thường xuyên với nhiều ngành nghề khác nhau, thu hút được nhiều học viên tham gia (từ năm 2021 đến nay, mở 30 lớp với 777 học sinh tham gia). Mở 14 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó 04 lớp đào tạo trình độ sơ cấp, 10 lớp đào tạo thường xuyên, với các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế mỗi địa phương. Nhiều học sinh sau tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng nghề đào tạo, có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; có nhiều hộ biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đoàn giám sát đi thực tế tại tuyến đường hoa của xã Thiện Kế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp - việc làm có mặt còn hạn chế; việc theo dõi, thống kê, báo cáo về tình hình lao động việc làm chưa sát với thực tế địa phương. Liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, công ty trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tưvấn, giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa thật sự hiệu quả. Việc tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, một số lao động chưa được tiếp cận với chính sách hỗ trợ theo quy định. Lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách còn ít; do vậy nhiều lao động không thuộc đối tượng phải vay vốn thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mục đích vay khác nhau.
Đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh phát biểu kết luận cuộc giám sát.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nông Thị Bích Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh ghi nhận đánh giá cao tính nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của huyện, của xã trong công tác chuẩn bị xây dựng báo cáo, hồ sơ tài liệu và bố trí thời gian làm việc với Đoàn giám sát; sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân huyện Sơn Dương trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021-2023. Đồng thời đề nghị UBND huyện khắc phục những tồn tại, hạn chế Đoàn giám sát đã nêu; tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đối với lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn; cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thực hiện theo dõi, thống kê đầy đủ tình hình lao động, việc làm tại địa phương từ cấp xã để ban hành và thực hiện các kế hoạch đào tạo, giải quyết việc làm hằng năm phù hợp với thực tiễn; quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, tạo sinh kế cho người dân trên chính mảnh đất của quê hương mình; có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với cơ cấu kinh tế. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao chất lượng các phiên giao dịch giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động cũng như trong công tác quản lý, hỗ trợ người lao động trong tìm kiếm việc làm, thị trường lao động; phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho lao động lựa chọn nghề phù hợp với khả năng lao động. Hỗ trợ lao động trong giới thiệu việc làm, hoàn thiện hồ sơ đi làm việc ở các doanh nghiệp, thị trường ngoài tỉnh và nước ngoài. Đẩy nhanh tiến độ hoàn hiện cơ sở vật chất của Trung tâm GDNN-GDTX của huyện góp phần thực hoàn thiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch./.