Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra

Theo quy định, việc thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh và việc thẩm tra phát sinh giữa hai kỳ họp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Thẩm tra nhằm xem xét tính khoa học, tính chính xác, tính hợp lý, hợp pháp, tính khả thi của các vấn đề trong báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp, trình Thường trực HĐND tỉnh giữa 2 kỳ họp; là cơ sở giúp Nghị quyết và các văn bản của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh ban hành phát huy được tính hiệu lực, hiệu quả và đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ban Kinh tế - Ngân sách tổ chức Hộị nghị thẩm tra các dự thảo báo cáo, nghị quyết trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

Nhận thức được vấn đề này, để công tác thẩm tra bảo đảm chính xác, khách quan, toàn diện; báo cáo thẩm tra thực sự chất lượng, hiệu quả. Trước mỗi kỳ họp, Ban Kinh tế - Ngân sách đã bám sát sự chỉ đạo của Đảng đoàn, phân công của Thường trực HĐND tỉnh về các nội dung dự kiến trình kỳ họp để xây dựng kế hoạch thu thập, nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị công tác thẩm tra. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo Ban và chuyên viên giúp việc theo lĩnh vực phù hợp trình độ chuyên môn đào tạo và kinh nghiệm, lĩnh vực công tác để tập trung thu thập thông tin tài liệu, nghiên cứu chuyên sâu. Chủ động phối hợp tốt với UBND tỉnh và các ngành trong công tác chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, tham gia ý kiến góp ý với UBND tỉnh ngay trong quá trình xây dựng thảo nghị quyết. Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin tại các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đến các nội dung thẩm tra để có thêm thông tin thực tế phục vụ công tác thẩm tra.

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 15 kỳ họp (10 kỳ họp thường lệ, 05 kỳ họp chuyên đề), ban hành 192 Nghị quyết. Trong đó Ban Kinh tế - Ngân sách đã thực hiện thẩm tra 105 báo cáo, dự thảo nghị quyết; trung bình mỗi kỳ họp, Ban được giao thẩm tra khoảng 02 báo cáo, đề án và 08 dự thảo nghị quyết, có kỳ cao nhất thẩm tra 15 dự thảo nghị quyết. Các nghị quyết của tỉnh được ban hành đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn, quyết định “đúng”, “trúng”các lĩnh vực đột phá, các mục tiêu quan trọng của địa phương.Trong đó có những nghị quyết về cơ chế chính sách rất phù hợp, được triển khai trong nhiều năm, mang lại hiệu quả rõ rệt:


Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tuyến đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn

Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ... Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, theo phương thức tỉnh hỗ trợ xi măng, cấu kiện đúc sẵn, tấm lợp, công kỹ thuật và toàn bộ chi phí vận chuyển, chi phí quản lý...; Nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu, công lao động hoặc bằng tiền và tự tổ chức thi công. Nhờ có cơ chế phù hợp, đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, huy động được sự tham gia thực hiện hiệu quả của người dân và các tổ chức, cá nhân. Đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 470,62 km đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 702,906km; xây dựng 316 công trình thủy lợi, 944,87km kênh bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh dự kiến đến hết năm 2020 lên 2.871,82km, tỷ lệ kênh mương kiên cố hoá đạt 77,36%, đảm bảo tưới chủ động 96,5% diện tích; xây dựng 550 công trình văn hóa, dự kiến đến năm 2020 có 1.183/1.739  thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn (đạt 68,02%), hầu hết các thôn đã bố trí được các khu thể thao phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 03 công trình theo Nghị quyết trong 5 năm đạt  khoảng 1.366.336,592 triệu đồng.


Nhà văn hóa thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình được xây dựng theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của HĐND tỉnh

Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về sửa đổi chính sách sản xuất hàng hóa và hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh… Sau khi chính sách được ban hành giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,17%/năm; các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực tiếp tục phát triển mạnh, giá trị hàng hoá chủ lực chiếm 55,53% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản; diện tích một số cây trồng chủ lực của tỉnh liên tục tăng (cây chè 8.735 ha, cây cam 8.634 ha, cây bưởi 3.690 ha, cây lạc 4.458 ha; diện tích trồng rừng gỗ nguyên liệu 135.728 ha, trong đó diện tích rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC 25.366 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 65% đứng đầu trong cả nước về độ che phủ của rừng...); tỷ trọng về sản phẩm chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại tăng 16,43%; tỷ trọng giá trị cá đặc sản tăng 2,04%; thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân hằng năm đạt 4%.


Phát triển cây chè hàng hóa tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương

Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND­ ngày 17/7/2017 về chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 về khuyến khích phát triển hợp tác xã; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 01/8/2019 về ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh… Đến hết tháng 6/2020 toàn tỉnh có 1.803 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 18.660 tỷ đồng; 321 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn gần 48.000 tỷ đồng; có 13 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 15 dự án với tổng số vốn đăng ký 202,6 triệu USD, trong đó có một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có năng lực như Vingroup, Mường Thanh, Dệt may Việt Nam, Geleximco, Dabaco, Woodsland, FLC, TNG, DANKO, APEC, Sun Group, Mian Group… đầu tư vào tỉnh. Kinh tế trang trại đã có bước phát triển mạnh mẽ, với 860  trang trại, trong đó có có 475 trang trại vay vốn theo chính sách của tỉnh trên 167,1 tỷ đồng. Cùng với đó, kinh tế hợp tác xã cũng có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, đến nay có 290 HTX trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản, trong đó có 98 HTX  có tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 47 HTX được cấp nhãn hiệu sản phẩm và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Môi trường đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải cách hành chính tăng dần qua các năm (năm 2019 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố).

Việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Ban đã tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh xem xét quyết định và cho ý kiến đối với trên 218 vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp do UBND tỉnh trình. Nội dung tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Cho chủ trương đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; phương án phân bổ nguồn vốn đầu tư công và bổ sung dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; việc điều hành, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (điều chỉnh giao bổ sung dự toán Ngân sách nhà nước, việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước); cho ý kiến về quản lý, sử dụng tài công sản (như: bán các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; máy móc thiết bị chuyên dùng, xe ô tô chuyên dùng, diện tích nhà làm việc chuyên dùng...).

Để chất lượng các báo cáo thẩm tra ngày được nâng cao, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh luôn xác định từng thành viên của Ban phải tự nghiên cứu, thu thập tài liệu, thường xuyên cập nhật các văn bản mới, tranh thủ ý kiến của các cá nhân có kinh nghiệm, am hiểu về vấn đề chuyên môn có liên quan, coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp từ các đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết, đại diện các địa phương, các ngành, nhất là đối với những nghị quyết liên quan đến đời sống của nhân dân, đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của địa phương. Quy trình tổ chức thẩm tra của Ban phải thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; đồng thời, nội dung thẩm tra cần đảm bảo toàn diện, các thông tin đưa ra trong báo cáo thẩm tra phải trên cơ sở thông tin đa chiều về tình hình kinh tế - xã hội, thực tiễn địa phương, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của cử tri trong tỉnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với phương thức đó, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đều đảm bảo chất lượng, có tính phản biện, được cử tri và đại biểu HĐND đánh giá cao, giúp HĐND thảo luận và quyết định đúng, trúng, sát thực tế, góp phần nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh./.

Khánh Thị Xuyến
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục