Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Tuyên Quang đã dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận các báo cáo công tác đối với các cơ quan trong hệ thống tư pháp tỉnh Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thi hành pháp luật. Các vấn đề, lĩnh vực, vụ việc liên quan đến hoạt động tư pháp được đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp của HĐND tỉnh. Những vấn đề, lĩnh vực, vụ việc nào chưa được người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị cùng cấp trả lời thỏa đáng, còn nhiều ý kiến băn khoăn, Thường trực HĐND tỉnh phân công Ban Pháp chế HĐND tỉnh triển khai kế hoạch giám sát theo thẩm quyền của HĐND tỉnh giữa hai kỳ họp, báo cáo kết quả giám sát đến HĐND tỉnh, thông báo cử tri và nhân dân biết.
Phiên tòa xét xử vụ án hình sự của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang |
Ban Pháp chế đã bám sát Chương trình công tác của HĐND và sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh; chủ động thu thập thông tin về các hoạt động tư pháp thông qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo, phản ánh của công dân; chú trọng đổi mới hình thức, lựa chọn nội dung và phương pháp giám sát, có chương trình, kế hoạch tổ chức giám sát thiết thực, hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban đã tiến hành 15 cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên và chuyên đề việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan về thực thi pháp luật ở địa phương, thực hiện kế hoạch giám sát theo chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng đổi mới phương pháp đánh giá, nhận định trong các báo cáo kết quả giám sát, thẩm tra bảo đảm đúng tình hình, kết quả hoạt động của các ngành, đơn vị, địa phương để có đánh giá, kiến nghị xác đáng, phù hợp. Qua đó, các ngành, đơn vị, địa phương thấy rõ một số vấn đề còn hạn chế cần phải khắc phục kịp thời, nhận thức đúng đắn hơn về vai trò giám sát của HĐND tỉnh đối với hoạt động tư pháp; đồng thời các kiến nghị, đề xuất của Ban cũng được gửi đến cơ quan thẩm quyền ở Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết theo quy định.
Xuất phát từ đặc thù của các cơ quan tư pháp và nhìn nhận khách quan từ hoạt động của HĐND các cấp trong thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế nhất định đó là: Việc chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp cùng cấp nhìn chung còn ít, hoạt động giám sát đôi khi còn chung chung, thiếu tính cụ thể và chưa sát thực, việc đôn đốc thực hiện một số kiến nghị sau giám sát chưa thường xuyên.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND các cấp đối với hoạt động tư pháp trong thời gian tới, đề xuất một số kiến nghị:
Thứ nhất, việc chất vấn các hoạt động tư pháp tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND nhân dân, Chủ tịch UBND cùng cấp là một nội dung quan trọng, cần duy trì thực hiện thường xuyên. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh đối với các hoạt động tư pháp cùng cấp theo hướng giám sát không chỉ dừng lại ở việc nghe báo cáo, dựa trên cơ sở một vài ý kiến chung chung mà đòi hỏi phải rõ quan điểm, có lý lẽ xác đáng về những vấn đề nhất trí, không nhất trí với nội dung báo cáo đã nêu; sau khi nghe báo cáo, tổng hợp thảo luận và trả lời chất vấn nếu thấy những vấn đề, lĩnh vực quan trọng cần thiết thì ban hành nghị quyết về chất vấn theo quy định.
Thứ hai, thực hiện chức năng giám sát đối với các hoạt động tư pháp ở cấp huyện qua giám sát nếu phát hiện những vấn đề, lĩnh vực, vụ việc còn nổi cộm, bức xúc chưa được cử tri và nhân dân đồng tình cũng cần đưa ra chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đối với việc quản lý người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị cấp huyện.
Thứ ba, nâng cao năng lực chủ thể thực hiện chức năng giám sát và bộ máy tham mưu, phục vụ HĐND các cấp. Trong đó cần xác định giám sát hoạt động tư pháp là yếu tố then chốt, bố trí đại biểu HĐND các cấp hoạt động chuyên trách có điều kiện am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thời gian tới, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Thứ tư, cần có cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tham gia có hiệu quả hơn vào việc giám sát và phản biện xã hội các hoạt động tư pháp; tăng cường vai trò, chức năng của báo chí, phương tiện truyền thông vào việc thông tin các hoạt động tư pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân đồng thời phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật./.