Dự phiên chất vấn có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ban Dân tộc tỉnh; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện; lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Kim Long chủ trì phiên chất vấn |
Qua báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành và các huyện cho thấy: Từ năm 2016-2020, phát huy kết quả và kinh nghiệm của các năm trước, UBND tỉnh, UBND các huyện thuộc phạm vi thực hiện Chương trình đã có nhiều cố gắng, bảo đảm triển khai thực hiện theo quy định. Cùng với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, Chương trình góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống của người dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở địa bàn giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở từng bước được nâng lên, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện gắn với các chương trình phát triển kinh tế nông lâm nghiệp trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, đảm bảo an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn |
Tuy nhiên, việc chỉ đạo và thực hiện Chương trình còn bộc lộ những tồn tại hạn chế như: UBND tỉnh chưa ban hành quy định thực hiện, áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các công trình có sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư; một số cơ quan chưa, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định; nhiều công trình không đảm bảo tiến độ thi công, chậm bàn giao đưa vào sử dụng; hiệu quả một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa cao, chưa tạo được sinh kế bền vững cho người dân; công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng chưa đạt yêu cầu; sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của tỉnh với UBND cấp huyện trong kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn ở cơ sở chưa được chặt chẽ, thường xuyên.
Tại phiên chất vấn, Chủ tọa và các đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh đã đặt các câu hỏi chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các đơn vị, Chủ tịch UBND huyện liên quan đến những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Các đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh nêu câu hỏi chất vấn |
Đã có 07 đại biểu đặt 11 câu hỏi chất vấn về việc: Không áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 (theo Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 và Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 sửa đổi Nghị định 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020); việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng công trình sử dụng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; việc chậm triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hàng năm; việc thực hiện nội dung chi xây dựng và quản lý dự án, việc thực hiện không đồng nhất về mức hỗ trợ đối với các đối tượng so với quy định tại Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 04/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định một số nội dung và mức chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; thời điểm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng; việc rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, đánh giá thực trạng năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, xác định các nhu cầu cụ thể về nâng cao năng lực phù hợp với từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn; thực hiện theo dõi, đánh giá hiệu quả việc tập huấn, bồi dưỡng, mức độ cải thiện năng lực...
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện đã trả lời nghiêm túc, giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm theo trách nhiệm được giao trong việc quản lý, triển khai, tổ chức thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135); đồng thời, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt tồn tại, hạn chế của ngành, đơn vị.
Phát biểu tại phiên chất vấn, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cho rằng những đánh giá đưa ra tại phiên chất vấn khách quan, xác đáng. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình 135; tham mưu giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với từng lĩnh vực để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2020 và toàn bộ Chương trình trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo sát sao các phòng ban chuyên môn thực hiện nhiệm vụ trong việc hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã thực hiện hoàn thành kế hoạch Chương trình năm 2020.
Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, sôi nổi, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra: đánh giá đúng kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm trong quản lý, điều hành của người đứng đầu và các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; kiến nghị các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thực hiện dự án trong thời gian tới.
Kết luận phiên chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện: Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; đặc biệt chú ý đến kinh nghiệm rút ra về cơ chế quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình; công tác điều phối, phối hợp của các cơ quan liên quan; đề xuất kiến nghị các biện pháp để duy trì kết quả đạt được của Chương trình cùng các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đảm bảo đúng quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…