Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; lãnh đạo UBND huyện, thành phố.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ năm 2016 đến nam 2019, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận làm rõ kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với Đoàn giám sát |
Qua giám sát cho thấy, công tác chỉ đạo về BVMT trên địa bàn tỉnh được tập trung đẩy mạnh, quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước được tăng cường; công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận cam kết BVMT thuộc thẩm quyền cơ bản đã được thực hiện đúng quy định. Từ năm 2016-2019, UBND tỉnh đã phê duyệt 88 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường; 61 hồ sơ phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Sở TNMT xác nhận 36 hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường, 25 hồ sơ hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại (CTNH), đến nay đã cấp được 124 sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các đơn vị có phát sinh CTNH trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố xác nhận 339 hồ sơ kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân về môi trường được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. UBND tỉnh, các ngành đã phối hợp với đoàn thanh tra của các cơ quan Trung ương thực hiện 03 cuộc thanh tra, tổ chức 18 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 12 đơn vị, với tổng số tiền xử phạt trên 1,08 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Tỉnh đã hoàn thành xử lý 7/7 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong danh mục phải xử lý.
Tuy nhiên, qua kết quả giám sát cũng cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ theo dõi, quản lý môi trường còn thiếu và yếu, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại một số địa phương chưa thường xuyên; việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường và thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra tại một số đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa nghiêm; một số doanh nghiệp chưa có ý thức trong việc BVMT, chưa tuân thủ nghiêm túc quy định BVMT...
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Kim Long phát biểu kết luận buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ môi trường... Các cấp, các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất để ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xử lý rác thải theo hình thức xã hội hóa; thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến... Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức thức chấp hành pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội về công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững./.