Dự họp có các đồng chí: Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Kim Long, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu kết luận phiên họp |
Qua báo cáo khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận cho thấy: UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện đã quan tâm, tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả Chương trình, qua 4 năm thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2019 trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 720 công trình cơ sở hạ tầng với tổng số vốn thực hiện 355.071,11 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp: 80 triệu đồng; duy tu bảo dưỡng 144 công trình; hỗ trợ giống cây trồng cho 1.704 hộ; giống vật nuôi cho 6.657 hộ; hỗ trợ 485 chuồng trại chăn nuôi; xây dựng 21 mô hình sản xuất để nhân rộng; 05 mô hình giảm nghèo, hỗ trợ mua 6.242 máy móc thiết bị… với 18.914 hộ gia đình tham gia hưởng lợi. Kết quả của Dự án đã góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 3- 4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục... được đầu tư xây dựng từng bước đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong tham mưu chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chức năng; trong thực hiện tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng...
Kết luận, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh giao Ban Dân tộc HĐND tỉnh phối hợp với cơ quan có liên quan, làm rõ một số nội dung tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện dự án 2 (Chương trình 135); đề xuất nội dung chất vấn, người trả lời chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật.
Báo cáo khảo sát về tình hình hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cho thấy: Lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Các HTX trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được củng cố, đổi mới mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã, một số hợp tác xã đã hoạt động hiệu quả theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển ngành nghề mới, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh, vẫn tổ chức theo mô hình cũ, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước còn lớn, việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm, chưa thu hút được cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật được đào tạo về làm việc tại HTX. Phần lớn các HTX chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chất lượng sản phẩm; liên kết, hợp tác giữa các HTX còn yếu, chưa phát huy được hiệu quả...
Qua các ý kiến thảo luận, Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh giao Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn thiện báo cáo khảo sát, trong đó tập trung phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX trong các lĩnh vực, nhất là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; làm rõ những tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, nguyên nhân hạn chế, từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục, thúc đẩy phát triển HTX trên địa bàn tỉnh./.