Thường trực HĐND tỉnh khảo sát kết quả thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) giai đoạn 2016-2020

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2020, từ ngày 05 đến ngày 11/5/2020, Đoàn khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành khảo sát kết quả thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở cơ chế, chính sách, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện chương trình, dự án đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh. Qua 4 năm triển khai thực hiện trên địa bàn 60 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 59 thôn đặc biệt khó khăn của các xã khu vực II, Chương trình 135 đã huy động được tổng hợp các nguồn lực thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Đồng chí Khánh Thị Xuyến, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kết luận buổi khảo sát tại UBND xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện đầu tư và khởi công xây dựng 720 công trình (trong đó: công trình đường giao thông 345 công trình; công trình thủy lợi 71 công trình; công trình trường học 66 công trình; nhà sinh hoạt cộng đồng 172 công trình; điện sinh hoạt 08 công trình; nước sinh hoạt tập trung 08 công trình; lồng ghép kiên cố hóa kênh mương 32 công trình và 18 công trình khác) với tổng số vốn là 355.071,11 triệu đồng (trong đó: vốn Trung ương chương trình 135: 349.107 triệu đồng; vốn nhân dân đóng góp: 80 triệu đồng; vốn lồng ghép khác: 5.884,1 triệu đồng); triển khai thực hiện Tiểu Dự án Hỗ trợ Phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 18.914 hộ với tổng số vốn 108.753,22 triệu đồng (trong đó: vốn Chương trình 135: 90.286,8 triệu đồng; vốn dân góp: 18.466,11 triệu đồng); tổ chức 115 lớp tập huấn và bồi dưỡng kiến thức về cơ chế quản lý điều hành chương trình 135; tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói giảm nghèo, quản lý tài chính, công tác lập hồ sơ và thanh quyết toán công trình, tập huấn về đấu thầu và đấu thầu cộng đồng cho 5.836 lượt cán bộ tỉnh, huyện, xã và thôn bản.


Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 - 2 lần so với đầu giai đoạn; hạ tầng cơ sở như: công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... được đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng từng bước đạt chuẩn, đáp ứng phần nào nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn giúp đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng có thêm kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ để tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, tham gia quản lý, giám sát các công trình, dự án đầu tư tại địa phương, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế; năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi được tăng lên, nâng cao thu nhập của người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định trong việc triển khai thực hiện các Tiểu dự án trong Dự án 2 (Chương trình 135). Cụ thể:

Về thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; duy tu, bảo dưỡng, quản lý và vận hành công trình

Việc phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư để “xã có công trình, dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập” chưa đạt yêu cầu, do năng lực tổ chức thực hiện của cấp xã khi được giao là chủ đầu tư các công trình xây dựng còn hạn chế. Một số địa phương đã có quy định, quy chế quản lý, sử dụng các công trình sau đầu tư, nhưng ý thức tự giác chấp hành của người dân còn hạn chế; việc duy tu, bảo dưỡng và quản lý công trình phục vụ người dân ở một số địa phương làm chưa tốt.


Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh đi thực tế tại cầu thôn Búng Pẩu, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hoá

Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ; một số công trình xây dựng chậm tiến độ, chậm bàn giao đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả nguồn vốn được đầu tư cũng như phát triển kinh tế, đời sống sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, công tác quyết toán công trình chậm, nguyên nhân do chủ đầu tư của một số địa phương chưa quyết liệt trong việc yêu cầu các đơn vị tham gia đầu tư xây dựng công trình hoàn thiện các trình tự, thủ tục hồ sơ trình các phòng chuyên môn của UBND huyện thẩm định quyết toán.

Đa số các công trình có sử dụng trên 50% nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình không gắn biển ghi tên công trình thuộc “Chương trình 135” và các thông tin liên quan đến công trình theo quy định tại khoản 4, Điều 5 của thông tư quy định tại Thông tư 01/2017/TT-UBDT ngày 10/5/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Về thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo

Qua giám sát, khảo sát cho thấy việc thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hàng năm được triển khai thực hiện rất chậm điều này cho thấy hiệu quả, tác động mang lại của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong năm kế hoạch đó không đạt mục tiêu đặt ra.

Việc triển khai thực hiện một số mô hình không đảm bảo nội dung như dự án được phê duyệt và chưa đúng quy định. Công tác thẩm định, phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của UBND cấp huyện còn chưa chặt chẽ, trình tự, thủ tục thực hiện một số dự án phát triển sản xuất chưa khoa học, hợp lý; thời gian hoàn thành dự án tại địa phương kéo dài.

Hiệu quả hỗ trợ một số con giống, máy móc, thiết bị chưa cao, chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương, không đảm bảo mục tiêu của dự án; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhiều thôn tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, nguy cơ tái nghèo còn cao. Ý thức, trách nhiệm của một số hộ dân còn hạn chế, công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của chính quyền địa phương một số xã chưa tốt, chưa phát huy nguồn vốn hỗ trợ cũng như nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Trình độ dân trí một bộ phận đồng bào dân tộc còn thấp, nên khó tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, thay đổi tập quán sản xuất.

Mặt khác, một số địa phương mới chỉ tập trung hỗ trợ giải ngân nguồn vốn, chưa quan tâm đến việc theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, thống kê tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi của các dự án đã hỗ trợ; chưa đánh giá hiệu quả sau đầu tư đối với một số loại cây trồng, vật nuôi để nhân rộng các mô hình có hiệu quả.  

Về thực hiện nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng

Công tác rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, đánh giá thực trạng năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, xác định các nhu cầu cụ thể về nâng cao năng lực phù hợp với từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn chưa được thực hiện tốt.

Bố trí thời gian tập huấn (thường vào cuối năm) là chưa hợp lý. Hình thức tập huấn chưa gắn với từng công trình, dự án, tổ, nhóm cụ thể; chưa tổ chức được các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương; đối tượng tập huấn là cán bộ thôn bản và người dân chiếm tỷ lệ thấp. Công tác theo dõi, đánh giá hiệu quả việc tập huấn, bồi dưỡng, mức độ cải thiện năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng còn hạn chế...

Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ cán bộ tại cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về năng lực chuyên môn; công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong quản lý, sử dụng, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng, các máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất, con giống được đầu tư xây dựng, hỗ trợ chưa thật sự hiệu quả; việc hướng dẫn tổ chức thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; việc lưu trữ hồ sơ, chứng từ các công trình, dự án tại xã có nơi chưa khoa học, đầy đủ, hồ sơ thiếu thông tin, chưa đảm bảo tính pháp lý theo quy định...

Kết quả khảo sát trên là cơ sở để Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên chất vấn giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm đánh giá khách quan, tổng thể về những kết quả đạt được, chỉ ra những vướng mắc, những bất cập về cơ chế, nguyên tắc thực hiện tại cơ sở trong triển khai thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiến nghị đề xuất những giải pháp khả thi, thiết thực nhằm triển khai hiệu quả dự án cho giai đoạn tiếp theo.

Ngọc Trâm - Thế Anh

Tin cùng chuyên mục