Giám sát việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình

Ngày 05/5/2020, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình.

Qua giám sát cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020 UBND xã Hồng Quang đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; từng bước tuyên truyền tới nhân dân về giữ gìn, phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã; đồng thời tổ chức được một số hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, tạo môi trường phát triển văn hóa phục vụ nhân dân trong xã như: Lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, ngày hội văn hóa dân tộc Dao Tiền, tổ chức lớp dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm, hát Páo Dung, tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng; khuyến khích, vận động nhân dân giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình, mặc trang phục của dân tộc mình trong các ngày dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng. Công tác giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong trường học được quan tâm, Trường THCS Hồng Quang đã tổ chức các giờ học ngoại khóa về giáo dục văn hóa truyền thống; duy trì cho học sinh mặc trang phục dân tộc thiểu số 2 ngày/tuần.


Nhà sàn của dân tộc Tày thôn Bản Luông, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình

Một số giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã bước đầu được giữ gìn, phát huy như: Trò chơi dân gian (tung còn, đánh pam, đánh yến, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, chạy khà kheo, nhảy sạp,...); nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát của dân tộc Pà Thẻn), nghề làm bún truyền thống (của dân tộc Tày, Dao); kiến trúc nhà ở (nhà sàn của người dân tộc Tày).

Tuy nhiên, việc phổ biến, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã còn hạn chế. Việc giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy trong bản thân người dân - chủ thể văn hóa niềm tự hào, ý thức chủ động tự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các làn điệu hát then, hát cọi, hát giao duyên, trò chơi dân gian… chỉ được thể hiện trong dịp lễ, tết, ngày hội, liên hoan văn nghệ cấp xã mỗi năm 1 lần.Việc gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số chưa được chú trọng; chưa phát huy được tiềm năng của xã trong việc phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng, kết hợp giữa phát triển kinh tế, giảm nghèo với bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số.


Lớp dệt thổ cẩm, đan lát của dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát đề nghị xã Hồng Quang tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về giữ gìn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Cụ thể chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về giữ gìn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh từng giai đoạn và hằng năm của xã. Tăng cường phổ biến, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã tới người dân trong và ngoài xã thông qua nhiều hình thức, trong đó chú ý khai thác việc giới thiệu, quảng bá thông qua mạng xã hội. Đẩy mạnh việc giáo dục văn hóa truyền thống trong cộng đồng, khơi dậy trong đồng bào dân tộc thiểu số niềm tự hào, ý thức tự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đẩy mạnh huy động xã hội hóa phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Khuyến khích, vận động thành lập thêm một số câu lạc bộ văn hóa của các dân tộc thiểu số, với các thế hệ, độ tuổi; hướng dẫn các câu lạc bộ tổ chức hoạt động thường xuyên, có chất lượng; góp phần trao truyền, phổ biến di sản văn hóa, khuyến khích lớp trẻ tiếp thu các di sản văn hóa. Có giải pháp hiệu quả gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; phát huy tiềm năng của xã trong việc phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng, kết hợp giữa phát triển kinh tế, giảm nghèo với bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường việc bảo quản, giữ gìn, phát huy giá trị các thiết chế văn hóa của xã, thôn, bản.

Bàn Phín

Tin cùng chuyên mục