Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh họp dự thính phiên thảo luận về kinh tế - xã hội kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV, ngày 31-5 và buổi sáng 01-6-2023, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Dự thính phiên họp có 105 đại biểu là Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND của 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đoàn đại biểu HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang tham dự phiên họp gồm các đồng chí: Lê Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh.


Đoàn đại biểu của tỉnh họp dự thính phiên thảo luận về kinh tế - xã hội kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu được nghe thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Tại phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, nhờ sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách thiết thực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân và doanh nghiệp. Năm 2022, nước ta cơ bản đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo...

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng nêu lên những khó khăn, hạn chế; phân tích nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp để triển khai thực hiện trong thời gian tới, cụ thể:

Nhiều đại biểu đề nghị rà soát lại tất cả vướng mắc trong các dự án Luật và văn bản hướng dẫn để có giải pháp tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện; có các giải pháp để tăng trưởng kinh tế; chú trọng tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Phát huy vai trò của thị trường trong nước, bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; có cơ chế, chính sách riêng về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền về cho địa phương chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có những biện pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao năng suất lao động, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết, khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu... có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, khơi thông dòng vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế; Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp; Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, có đại biểu cho rằng, có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ... đại biểu kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng; Các công ty bảo hiểm cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm từ thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng, để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.


Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia: các đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Giao vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025 giống như đầu tư công cho địa phương để địa phương chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện; việc giao vốn sự nghiệp hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cần giao tổng kinh phí từng dự án thành phần, không giao chi tiết đến lĩnh vực chi để địa phương chủ động phân bổ cho từng lĩnh vực, phù hợp với thực tế của từng địa phương; sớm ban hành Thông tư, hướng dẫn để các địa phương thực hiện; điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ “Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”...

Liên quan đến lĩnh vực y tế: Các đại biểu phản ánh tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn chưa được giải quyết triệt để; đại biểu kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các quy định rõ ràng của tự chủ trong y tế; cần phân định rõ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao. Đối với các hoạt động, nhiệm vụ thiết yếu để chăm sóc sức khỏe nhân dân thì Nhà nước vẫn cần phải đảm bảo kinh phí, không làm sai lệch đi bản chất của tự chủ là chỉ cắt ngân sách khi phân bổ về cho các đơn vị...

Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến về việc thực hiện cải cách hành chính, kỷ luật kỷ cương công chức, công vụ, nhận định về nguyên nhân và giải pháp chấn chỉnh, giải quyết tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; có đại biểu đề nghị cần sớm ban hành, cụ thể hóa quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo; triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc; có đại biểu đề nghị cần có sự thay đổi chính sách tiền lương của cán bộ, công chức căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế;

Liên quan đến lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, có đại biểu quan tâm đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng bạo lực học đường. Có đại biểu đề nghị cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Có đại biểu phản ánh những hạn chế trong quản lý điều hành ảnh hưởng đến thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về những sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới; tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa... đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm; Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập...


Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp toàn thể sáng 01/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Về công tác an sinh xã hội: Các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện; Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống; nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột..

Về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam: Nhiều đại biểu đồng thuận cao với đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank với sự cần thiết, căn cứ pháp lý, cũng như tính khả thi và hiệu quả của phương án. Việc bổ sung vốn điều lệ sẽ giúp tăng năng lực tài chính tương xứng hơn với quy mô, yêu cầu hoạt động của ngân hàng này, đồng thời đảm bảo vai trò chủ lực, công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường ngân hàng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, mang lại hiệu quả sử dụng vốn cho nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh xã hội.

Đại biểu cũng có những kiến nghị, đề xuất liên quan đến các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; về tác hại của thuốc lá điện tử; giải pháp quản lý đối với Bảo hiểm xã hội; về phát triển sản xuất nông nghiệp; các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa; nhà ở xã hội...

Báo cáo giải trình những vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo Quốc hội các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm Bộ Nội tham mưu thực hiện, như: Tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung; tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương và đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ. Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện các giải pháp với ý thức trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý, sợ sai, sợ trách nhiệm và không làm trong thực thi công vụ; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt hơn để đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung cũng như cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư cũng như cho phát triển.


Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự thính tại phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo những giải pháp thực hiện việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023; Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm các vắc xin nhập khẩu thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, hoặc thực hiện đấu thầu tập trung với các loại vắc xin đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên; về chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương sang giao cho các địa phương triển khai thực hiện; chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai tiêm thường xuyên trong các tháng cuối năm, và rà soát các đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm bù cho đối tượng trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và việc thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội, triển khai dự án nhà ở cho công nhân.

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng ưu tiên đảm bảo an toàn hoạt động  hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là lựa chọn đúng đắn. Những giải pháp, liều lượng và thời điểm của chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng để tập trung hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao; chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; số tồn dư ngân sách; về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; về kinh phí cho chương trình tiêm chủng; quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về đầu tư công; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Bộ trưởng cho biết Chính phủ tiếp tục tập trung vào các vấn đề về dài hạn, trung hạn, trong đó tiếp tục thực hiện rà soát các quy định pháp luật, đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi số tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao các dịch vụ du lịch, giáo dục, y tế...

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 1,5 ngày họp tại hội trường, đã có 75 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 13 đại biểu tham gia tranh luận, 6 Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước và các vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank vào Nghị quyết chung của kỳ họp gửi đại biểu cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua...

Với thời gian 1,5 ngày dự họp, các đại biểu đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND các tỉnh được chứng kiến một phiên họp của Quốc hội khoa học, dân chủ, trách nhiệm, khách quan để từ đó tham khảo, học tập, vận dụng vào việc điều hành các phiên họp và điều hành các hoạt động của HĐND, UBND các cấp. Cùng với đó, mỗi một đại biểu đều ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh./.  

Thanh Thủy
Ảnh: quochoi.vn

Tin cùng chuyên mục