Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Sáng ngày 05-6, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội thảo luận tại các Tổ đại biểu vào dự án Luật. Dưới sự chủ trì của đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, Tổ thảo luận số 11 gồm đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang đã sôi nổi, tham gia góp ý nhiều ý kiến vào dự án.

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chủ trì phiên họp tổ (sáng ngày 05/6/2023).

Các vị đại biểu Quốc hội tại tổ thảo luận thống nhất cao sự cần thiết phải sửa đổi Luật Nhà ở. Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, đề nghị cần có đánh giá toàn diện về sự phù hợp với các Luật khác như Luật đất đai, Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Kinh doanh Bất động sản..; tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở, trong đó cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; quy định Nhà nước phải có trách nhiệm đối với các vấn đề liên quan đến Nhà ở xã hội; đề nghị phát triển nhà cho thuê, thuê mua, lưu trú; cần có quy định chặt chẽ hơn đối với vấn đề cải tạo chung cư...


Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo luật.

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tán thành với việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương chính sách của Đảng, khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành... đồng thời góp ý một số nội dung, cụ thể:

Đối với điều kiện cho vay đối với hộ có thu nhập thấp: Theo đại biểu, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đối tượng thu nhập thấp vay vốn ngân hàng chính sách xã hội quy định chặt chẽ: Phải chứng minh các điều kiện, hóa đơn mua vật liệu xây dựng (cát, sỏi, sắt thép...); cửa hàng nhỏ lẻ thì không có hóa đơn... đối tượng này lại phải đi mua hóa đơn, nên hộ có thu nhập thấp muốn vay vốn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị điều kiện hộ vay thu nhập thấp chỉ cần chứng minh có phiếu xuất kho, giấy tờ viết tay, bảng kê mua vật liệu xây dựng, không cần phải có hóa đơn thuế giá trị gia tăng...

Về nhà ở xã hội: đại biểu cho rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội hiện nay là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phát triển công nghiệp, mà hiện nay việc thực hiện chỉ tiêu hoàn thành một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021- 2030 đòi hỏi công tác đầu tư, phát triển nhà ở xã hội phải nhanh, gọn và đảm bảo chất lượng công trình. Đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định đặc thù riêng cho phát triển nhà ở xã hội để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án, nhất là về các thủ tục, vì hiện nay thực tế về thủ tục pháp lý đối với dự án nhà ở xã hội được thực hiện hầu như là tương tự như dự án nhà ở thương mại.

Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhà ở xã hội, theo đại biểu, nên cho phép thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dự án được triển khai. Đại biểu đề nghị khi chủ đầu tư có đất và có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép triển khai dự án; cần lược bỏ quy định phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đủ điều kiện thực hiện dự án và cho phép thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi dự án được hoàn thiện nhằmgiảm thời gian từ thời điểm xin chủ trương đến khi triển khai thực hiện dự án.

Đề nghị cần cắt giảm thủ tục về giấy phép xây dựng và chỉ cần thẩm định thiết kế bằng bản vẽ thi công của nhà ở xã hội vì thiết kế bản vẽ thi công sẽ đánh giá cụ thể và đảm bảo chặt chẽ về mặt chất lượng của công trình theo quy chuẩn được quy định tại thời điểm hiện hành để đảm bảo công trình được hoàn chỉnh.

Về ưu đãi cho người mua nhà: Đại biểu cho rằng, hiện nay các quy định hiện hành và nội dung tại dự thảo lần này cũng không có gì thay đổi nhiều so với các lần trước, các ưu đãi đối với nhà ở xã hội hiện nay còn khá thấp. Do đó, đại biểu đề nghị giảm toàn bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế trước bạ đối với nhà ở xã hội, từ đó góp phần giảm giá bán nhà ở xã hội do các loại thuế này được tính trực tiếp vào giá bán sản phẩm.

Đối với quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 71, phương án bồi thường, tái định cư bao gồm: “đ. Hệ số K vị trí căn hộ, giá đất để tính bồi thường”. Đại biểu cho rằng, theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 44/2014 thì căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và bảng giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, quyết định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để xác định giá đất cụ thể, các tỉnh khác nhau thì sẽ đưa ra và áp dụng hệ số K là khác nhau (tức là không giống nhau). Mặt khác, hiện nay chưa có quy định pháp luật về hệ số K vị trí căn hộ để làm căn cứ bồi thường cho các chủ sở hữu khi cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đồng thời tôi thấy quy định trên chưa xác định được cụ thể giá đất để tính bồi thường là giá đất nào. Do đó, đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về hệ số K vị trí căn hộ và giá đất để tính bồi thường, cần quy định cụ thể hệ số K theo biên độ nhất định như: 1,1; 1,2; 1,3; 1,4; ...

Tại Điều 31 của dự thảo luật về xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh: Đại biểu đề nghị cần xem xét lại việc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến bộ xây dựng vì sẽ phát sinh thủ tục hành chính, mất thời gian tốn kém…nên để giữ nguyên theo quy định hiện hành là chỉ cần các thành phố lớn trực thuộc trung ương mới gửi lấy ý kiến của Bộ xây dựng.


Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo luật.

Đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban xã hội của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi hoàn thiện Luật Nhà ở, Ban soạn thảo đã thể hiện được các quan điểm của Đảng, Nhà nước về nhà ở cho người dân, người lao động, công nhân. Đồng thời tham gia một số nội dung, cụ thể:       

Về Hồ sơ dự án Luật: Đại biểu cho rằng, hồ sơ trình của dự án Luật mới chỉ có ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và 01 ý kiến của chuyên gia, chưa có  ý kiến nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp về những quy định trong dự thảo như người dân, công nhân, lao động... Đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp đầy đủ ý kiến của người dân, người lao động, ý kiến đóng góp của người dân trên cổng thông tin điện tử những người chịu tác động trực tiếp của Luật này.

Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo luật: đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần phối hợp với Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi) trong quá trình xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất của các dự án Luật do Chính phủ trình trước khi Quốc hội thông qua.

Về Giải thích từ ngữ (Điều 3): Khoản 10 Điều 3 đưa ra khái niệm “nhà ở cũ, bao gồm cả nhà chung cư”, tuy nhiên trong dự thảo Luật chủ yếu mới nhắc đến nhà ở cũ và chung cư cũ chứ chưa sử dụng thuật ngữ này. Đề nghị ban soạn thảo rà soát lại việc đưa ra khái niệm này; nếu chỉ lấy mốc thời gian được đầu tư xây dựng là từ trước năm 1994 thì có thể là chưa đầy đủ vì cũ hay mới còn liên quan đến tuổi thọ công trình, và Luật này còn áp dụng cho nhiều năm sau (kể từ khi luật có hiệu lực).

Về nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Điều 62): Tại khoản 8, đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá tính hợp lý và khả thi của quy định này; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu chung cư cũ là như thế nào; Khoản 9, đề nghị làm rõ, nghiên cứu bảo đảm quyền của hộ gia đình, cá nhân sở hữu nhà ở quy định tại Khoản 1, 2, 5 Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm.

Về kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư (Điều 63). Đề nghị nghiên cứu, bổ sung về quy định liên quan đến việc lựa chọn đơn vị thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng. Hiện tại theo dự thảo thì đơn vị này sẽ do UBND giao nhưng không có tiêu chí lựa chọn đơn vị này như thế nào để đảm bảo tính khoa học, khách quan, độc lập, chất lượng và chi phí. Tương tự, quy định chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng và đơn vị kiểm định cần phải quy định cụ thể phối hợp như thế nào, ở khâu nào trong quá trình này, và vai trò của chủ sở hữu.

Đối với quy định tại Điều 65 dự thảo Luật về lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định tại điểm c, khoản 1 về nguyên tắc, tiêu chí đánh giá lựa chọn chủ đầu tư cho dự án nhà ở xã hội khi tham gia đấu thầu dự án.

Đối với quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 76 về nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc kết hợp này được thực hiện như thế nào? Phương thức kết hợp ra sao? Việc kết hợp với cộng đồng dân cư, dòng họ có đảm bảo tính khả thi hay không?

Đối với quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân: Đại biểu cho rằng, Khoản 1 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà lưu trú công nhân là đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại khoản 6 Điều 73 là chưa phù hợp vì đây là nội dung hỗ trợ riêng cần có khoản riêng quy định về đối tượng được thuê nhà lưu trú công nhân; Khoản 2 có quy định đối tượng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cần làm rõ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, với vai trò là người đại diện cho người lao động hay là công đoàn viên trong hệ thống công đoàn. Nếu xác định như vậy cần cân nhắc đối tượng là tổ chức đại diện cho người lao động ở cơ sở theo quy định của Bộ luật Lao động và người lao động tham gia tổ chức này.

Về vấn đề xây dựng, ban hành Bộ Quy chuẩn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân: Đại biểu đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cần nghiên cứu, ban hành Bộ quy chuẩn về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân ngay khi Luật có hiệu lực thi hành để đảm bảo công nhân, người lao động, người dân có thu nhập thấp được bố trí nơi ở hợp lý, đảm bảo các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, trong đó, quy chuẩn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân phải tính đến các thiết chế văn hoá cộng đồng, nhà trẻ mẫu giáo, trường học... Đây là các dịch vụ xã hội thiết yếu đối với cuộc sống và chất lượng sống của người dân và các thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu công bố các Bộ tiêu chuẩn xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để nâng cao chất lượng công trình, nhân rộng các điển hình tốt.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểutham gia ý kiến vào dự thảo luật.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tính chất đặc thù của các dự án cái tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tính toán xây dựng các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư hợp pháp, tránh chồng chéo, trùng lặp; bổ sung các giải pháp khả thi, tháo gỡ các điểm nghẽn để tạo điều kiện thuận lợi sớm triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang ách tắc tại các đô thị lớn hiện nay. Đồng thời, lưu ý làm rõ đối với các đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân...

Kết luận buổi thảo luận, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, tổ trưởng tổ thảo luận nhấn mạnh, việc đánh giá tác động của Luật Nhà ở cần toàn diện, tham chiếu các Luật: Đất đai, Đầu tư, Đầu tư công, Xây dựng... Nhà nước cần có quy hoạch, dành quỹ đất cho nhà ở xã hội. Khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án cho nhà ở công nhân thì cần làm rõ có chế tài chính dành cho dự án đầu tư này sẽ lấy từ kinh phí do đoàn viên công đoàn đóng hay bằng nguồn vốn đầu tư công do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ...

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)./.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục