Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chủ trì phiên thảo luận.
Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác.
Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá) tham gia ý kiến.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều, thể chế hóa 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn về quản lý và sử dụng đất đai hiện nay.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý tham gia ý kiến.
Nhiều chính sách mới về đất đai được quy định như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, hạn mức sử dụng đối với các tổ chức tôn giáo phù hợp với quỹ đất hiện có của địa phương; tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch về giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia ý kiến.
Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, chế tài cụ thể ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước. Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp…
Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia ý kiến.
Tham gia thảo luận, 12 đại biểu đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật đất đai năm 2013, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý, sử dụng đất, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai hiện nay, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tham gia vào các quy định cụ thể, các đại biểu đề nghị phân loại đất rõ ràng hơn; xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; không phân biệt bồi thường giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư công, dự án đầu tư tư; xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch sử dụng đất đai, phân biệt rõ giữa đấu thầu và đấu giá đất; kiên quyết thu hồi các dự án sử dụng đất quá hạn trong điều kiện bình thường; giao đất dự án phù hợp với vòng đời của dự án nhằm tang hiệu quả sử dụng đất; xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí khu vực hạn chế tiếp cận đất đai trong quy hoạch sử dụng đất; nghiên cứu quy định trường hợp thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng an ninh chưa có trong quy hoạch; bổ sung giao đất phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang; quy định cách thức thu hồi, đền bù, phân bổ địa tô bình đẳng, hài hòa về lợi ích giữa các chủ thể Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; phân loại các trường hợp thu hồi đất do vi phạm quy định pháp luật về đất đai cần tính đến các yếu tố lịch sử, quy hoạch để có biện pháp giải quyết phù hợp. Đánh giá đầy đủ việc giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho hệ thống Tòa án nhân dân, để đảm bảo giải quyết kịp thời các tranh chấp đất đai; quy định tổ chức chuyên nghiệp, độc lập định giá đất để đảm bảo khách quan, minh bạch; nghiên cứu bộ máy tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai phù hợp với khu vực miền núi để thuận lợi cho người dân đi lại thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai; quy định hạn mức đất ở phù hợp với hộ gia đình khu vực miền núi dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia ý kiến.
Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc việc thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp; nghiên cứu kinh nghiệm một số nước về thời hạn giao đất; thủ tục chuyển đất công sang đất tư, đất tư sang đất công đảm bảo chặt chẽ, đơn giản, dễ thực hiện; coi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn lực phát triển, đất sản xuất kinh doanh phải có chính sách thật thông thoáng để thu hút đầu tư./.