Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thuý chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra từ ngày 3/11 đến 5/11 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên nhiều phương tiện để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Chất vấn tại và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, có 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.


Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng, bao gồm: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội. Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Tham gia trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các Bộ, ngành khác sẽ cùng giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng có 61 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh chất vấn tại Hội trường.


Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng: Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp cho tình trạng quy hoạch thiếu khả thi, chưa đồng bộ.

Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, nhiều nội dung thiếu tính khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu nguồn lực thực hiện, chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác, như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng vấn đề quy hoạch thiếu tầm nhìn là một trong những biểu hiện của chất lượng quy hoạch thấp và quy hoạch thiếu tầm nhìn, công tác dự báo còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi, dự báo về chỉ tiêu dân số, về đất đai thường thấp và không theo kịp tốc độ phát triển nhà ở của các đô thị lớn, nhất là tại các đô thị loại 1, loại 2, nhưng lại dự báo vượt quá xa thực tế trong các đồ án quy hoạch đối với các vấn đề như tăng dân số cơ học, diện tích đất xây dựng tại các đô thị nhỏ loại 3, loại 4, dẫn tới việc đề xuất chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng và định hướng phát triển không gian hạ tầng kỹ thuật cũng như quy hoạch sử dụng đất là không phù hợp, vượt quá khả năng và nguồn lực thực hiện. Việc chưa tính toán đầy đủ và thiếu các điều kiện thực hiện; việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư chưa gắn kết với kế hoạch vốn trung hạn hàng năm. Việc lập quy hoạch đô thị theo các cấp độ quy hoạch và theo các loại hình quy hoạch cũng chưa đồng bộ thể hiện ở các nội dung quy hoạch còn chưa thống nhất và thời gian lập kéo dài.

Nguyên nhân của tình trạng trên là công tác lý luận, phương pháp quy hoạch, kế hoạch đầu tư cũng như quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan cũng chậm được đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh rất nhanh của quá trình đô thị hóa. Hệ thống pháp luật về phát triển đô thị cũng như quản lý xây dựng trong đô thị vẫn chưa đồng bộ, có nhiều điểm còn mâu thuẫn và không thống nhất; hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng nhà ở, quy hoạch phát triển đô thị cũng còn có nội dung chưa thống nhất và chưa đồng bộ; các công cụ quản lý cũng chưa kiểm soát hiệu quả một số vấn đề về đầu tư xây dựng, về đất đai, về nhà ở. Trình độ, năng lực của cán bộ tham gia quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị cũng như năng lực của cán bộ các cơ quan tư vấn lập quy hoạch cũng còn hạn chế. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch đô thị cũng còn hạn chế, hệ thống thông tin, dữ liệu về đô thị, về quy hoạch còn thiếu, chưa được hệ thống hóa để phục vụ kịp thời cho công tác quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch. Sự phối hợp về lập, thẩm định quy hoạch tại địa phương còn hạn chế, việc góp ý quy hoạch vẫn còn chung chung, chưa thực sự đóng góp cho chất lượng đồ án quy hoạch. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức và còn mang tính hình thức.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó hoàn thiện quy trình lập quy hoạch, về điều chỉnh cục bộ quy hoạch cũng như về thành phần, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch; bổ sung các quy định, yêu cầu đảm bảo kiểm soát tốt tuân thủ các cấp độ quy hoạch cũng như đồng bộ quy hoạch giữa các cấp độ, bổ sung nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong các loại quy hoạch cũng như quy định chi tiết hơn về nội dung quy hoạch và mức độ thể hiện trong các đồ án quy hoạch. Nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện lý luận, phương pháp luận trong công tác lập quy hoạch, triển khai đề án nghiên cứu, nghiệm thu và ứng dụng vào quá trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong thời gian tới. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra công tác quy hoạch tại các địa phương, các địa phương phải thực hiện tốt các quy định liên quan đến quy hoạch.

Đỗ Dũng

Tin cùng chuyên mục