Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV

Tiếp theo Chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 07-11-2022, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) và tờ trình về việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin nơi sinh trên hộ chiếu; Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và ở tổ về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).


Quang cảnh phiên họp (buổi sáng ngày 07-11). Nguồn: quochoi.vn.

Buổi sáng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến tán thành với nhiều nội dung được chỉnh lý tại dự thảo Nghị quyết. Việc ban hành Nghị quyết kết nối các trung tâm phát triển vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Căm-pu-chia. Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước. Về cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người mua xe muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe…


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý tham gia ý kiến tại tổ về Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi).

Buổi chiều các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 2 dự án luật, Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đồng tình với sự cần thiết sửa đổi dự án luật, bổ sung nhiều điểm mới để hạn chế tiêu cực trong việc xét duyệt hồ sơ thầu, rút ngắn thời gian thực hiện đấu thầu, nên quy định rõ quy định chào giá cạnh tranh, công khai minh bạch mời thầu, có đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu nhận diện đúng hàng hóa, dịch vụ đấu thầu; có quy định giám sát chặt chẽ, nhiều chiều việc đấu thầu; có chế tài xử lý thật nghiêm,  quy định rõ tiêu chí các gói thầu cần chào thầu rộng rãi ra quốc tế; cân nhắc việc lựa chọn nhà thầu tư vấn là cá nhân; xem xét việc giao cho trưởng đoàn kiểm tra quyết định trình tự, thủ tục kiểm tra công tác đấu thầu, nên quy định cụ thể ngay trong luật hoặc văn bản dưới luật.


Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ.

Đối với Dự thảo Luật giá (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thuý đề nghị làm rõ phạm vi điều chỉnh; quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm giám sát, kiểm tra; quy trình thực hiện thẩm định nhằm ngăn chặn tình trạng thông đồng “thổi giá” hàng hóa, dịch vụ, để giá trị của hàng hóa, dịch vụ đúng với giá trị thực tế trên thị trường; nên giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế bổ sung danh mục hàng hóa thiết yếu để phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương; về bình ổn giá đề nghị iếp tục quy định như Luật hiện hành, theo đó  danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, trong trường hợp cần điều chỉnh, do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, đồng thời quy định như vậy cũng đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong điều hành bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục