Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy tham gia thảo luận vào Dự án Luật Bảo vệ người quyền lợi tiêu dùng (sửa đổi)

Chiều ngày 10/11/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ người quyền lợi tiêu dùng (sửa đổi).

Các đại biểu tham gia thảo luận đều cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, nhằm tiếp tục tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phù hợp với điều kiện hiện nay.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận tại hội trường.

Phát biểu thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dung (sửa đổi) đã thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành Luật hiện hành, nhất là trong điều kiện thương mại điện tử, chuyển đổi số hiện nay.

Tham gia vào vấn đề cụ thể, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cân nhắc bổ sung “tổ chức” vào đối tượng điều chỉnh, vì trong thực tế “người tiêu dùng” không chỉ là một cá nhân mà còn có tổ chức, hộ gia đình đều có thể trở thành người tiêu dùng khi mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và không vì mục đích thương mại.

Đề nghị bổ sung nội dung khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố, để phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường; công bố sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…

Liên quan đến nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng thực tế cho thấy nhiều trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình hoặc vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể tiêu chí để tổ chức, cá nhân kinh doanh có cơ sở để xác định được “sự phù hợp” của hàng hóa, dịch vụ đối với “các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm thần, thể chất, bảo đảm bình đẳng giới và đặc thù giới tính”. Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải ghi rõ nhãn hàng hóa trong các trường hợp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa đưa vào lưu thông trong nước. Nghiên cứu xem xét bổ sung công khai mã số đăng ký kinh doanh của công ty hoặc hộ kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi có giao dịch từ xa với người tiêu dùng để bảo đảm thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh được đầy đủ; đồng thời phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước vì tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, người đại diện theo pháp luật có thể thay đổi nhưng mã số đăng ký kinh doanh thì được cấp một lần.

 Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định thông báo thông tin vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện theo hướng cụ thể hơn về trách nhiệm đưa thông tin về vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bổ sung quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm ảnh hưởng tới hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục