Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy tham gia thảo luận vào Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng ngày 14/11/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 Điều. Trong đó, giữ nguyên 28 điều; sửa đổi 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 08 điều, Dự thảo đã thể chế hóa 11 nhóm chính sách mới, quan trọng theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Các đại biểu tham gia thảo luận đều cơ bản nhất trí với dự thảo Đất đai (sửa đổi) các quy định của dự thảo đã cơ bản phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý phát biểu thảo luận.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng Dự án Luật Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Những tồn tại, bất cập nêu trên, theo đại biểu Ma Thị Thúy, có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, chủ yếu là cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm đảm bảo nguồn thu ổn định hàng năm, đảm bảo giá thuê đất sát với giá thị trường phù hợp với chính sách tài chính về đất đai. Việc mở rộng quyền cho đối tượng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm là cần thiết, phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất, đưa quyền sử dụng đất, tài sản đặc biệt tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, mới đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh như về kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, để các nhà doanh nghiệp có thể yên tâm hơn, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng.


Các đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang bấm nút thông qua dự án Luật.

Bên cạnh đó, về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa đại biểu nhất trí với dự thảo Luật lần này sửa đổi là không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đồng thời, quy định để kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì khi mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì việc mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa là phù hợp. Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Như vậy đã dẫn đến hạn chế về nguồn lực trong việc sản xuất trồng lúa. Dự thảo luật sửa đổi đã mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đã phát huy được nhiều nguồn lực từ nhiều đối tượng khác nhau trong đó có cả thành phần tổ chức kinh tế chứ không phải là hộ trực tiếp sản nông nghiệp tham gia tích tụ đất đai, thúc đẩy sản xuất trồng lúa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của quốc gia.

Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp là phù hợp với chủ trương của nhà nước khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hoá khai thác thế mạnh tiềm năng đất nông nghiệp. Việc quy định cụ thể hạn nhận chuyển nhượng cũng đảm bảo tính thống nhất thực hiện giữa các địa phương, kiểm soát của nhà nước trong việc quản lý, mặt khác việc tích tụ đất đai còn được thông qua hình thức nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Do vậy việc quy định hạn mức là phù hợp. Bên cạnh đó, việc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là cần thiết, xong cũng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương thể hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo trong việc quy định chính sách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể… Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụ thể về cơ chế giám sát chặt chẽ về nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh trường hợp lợi dụng chuyển sang mục đích khác.

 Về đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng. đại biểu cho rằng Ban soạn cần đánh giá tổng kết việc thực hiện sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, thực tiễn trong thời gian vừa qua diễn ra tranh chấp, lấn chiếm còn phức tạp, hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng thấp, làm phát sinh tranh chấp giữa người nhận khoán và công ty, giữa người nhận khoán với nhau, một số nơi chưa giải quyết dứt điểm tình trạng cho thuê, liên doanh, liên kết…Theo đại biểu có nhiều nguyên nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, tuy nhiên một trong những nguyên nhân bao chùm là do các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường còn yếu và thiếu, do vậy đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để khi quy định các nội dung liên quan đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng, nhất là các quy định giao cho địa phương quản lý góp phần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong suốt thời gian vừa qua.

Về Văn phòng đăng ký đất đai, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng theo quy định hiện nay, mô hình 2 hoặc 3 đơn vị cấp huyện mới có 1 Văn phòng đăng ký đất đai là chưa hợp lý, nhất là các địa phương miền núi, đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các đề nghị về dịch vụ liên quan đến đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai có nơi khoảng cách hàng trăm Km, trong khi đó biên chế được giao ít, công việc nhiều,…ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến kiến nghị, khiếu kiện bức xúc của người dân. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết lại mô hình Văn phòng nêu trên; xem xét quy định Văn phòng đăng ký đất đai theo hướng trực thuộc cấp huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các địa phương hoàn thành nhiệm vụ./.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục