Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật phòng thủ dân sự

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 01/11/2022 Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì họp Tổ (gồm 26 đại biểu của các tỉnh: Thanh Hóa, Cà Mau, Tuyên Quang).
Video không hợp lệ


Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang và các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận.

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình kỳ họp thứ tư có 12 chương, 111 điều, trong đó bãi bỏ 3 điều, sửa đổi 65 điều, bổ sung 49 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012.

Thảo luận vào dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Luật, các nội dung sửa đổi, bổ sung đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển hợp tác xã.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thuý tham gia ý kiến.

Tham gia các vấn đề cụ thể, các đại biểu đều đề nghị giữ nguyên tên là Luật Hợp tác xã (dự thảo là Luật các tổ chức kinh tế hợp tác); các chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác phải phù hợp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định cụ thể số lượng tối thiểu thành viên Hợp tác xã; thủ tục về giải thể, phá sản hợp tác xã nên đơn giản, dễ thực hiện. Quy định phân loại hợp tác xã theo quy mô, doanh thu, số lượng thành viên và theo hình thức hoạt động là nông nghiệp và phi nông nghiệp để có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp từng loại hình hợp tác xã. Quy định rõ hơn về các cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể, đồng thời có tiêu chí cụ thể, rõ ràng được nhà nước ưu tiên hỗ trợ, tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải và thiếu hiệu quả, thậm chí là tình trạng trục lợi chính sách; quy định về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của hợp tác xã. Quy định cụ thể về thành viên chính thức và thành viên liên kết, về tiêu chuẩn và quyền lợi, trách nhiệm của thành viên liên kết. Đại biểu cũng đề nghị thí điểm thành lập Liên đoàn hợp tác xã trước khi quy định cụ thể trong luật; nên quy định khuyến khích, không quy định cứng nhắc việc thành viên hợp tác xã phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã; mô hình quản trị hợp tác xã nên phù hợp với tổ chức và quan hệ giữa các xã viên hợp tác xã…

Một số đại biểu băn khoăn và đề nghị làm rõ về quy định thành viên Hợp tác xã từ 15 tuổi có phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, như là Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em; quy định các chứng chỉ của giám đốc, kế toán hợp tác xã có thể ngược với xu thế đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có 7 chương, 71 điều cụ thể hóa quy định về phòng thủ dân sự trong Luật Quốc phòng.

Các ý kiến thảo luận của đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật phòng thủ dân sự nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với các sự cố thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.


Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) tham gia ý kiến.

Tham gia các vấn đề cụ thể, đại biểu đề nghị làm rõ đối tượng, phạm vi của Luật trong bảo vệ Nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa thiên tai, dịch bệnh để tránh trùng với bảo vệ Nhân dân trong các luật khác; quy định rõ cơ quan thường trực và lực lượng nòng cốt có đầy đủ lực lượng, phương tiện, cơ quan có thẩm quyền thành lập ở Trung ương, địa phương; quy định về đào tạo, huấn luyện phòng thủ dân sự tại các nhà trường, học viện và các lực lượng chuyên trách kiêm nhiệm; không để chồng chéo, tập trung đầu mối cho hai lực lượng đó là công an, quân đội có lực lượng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với các tình huống trong phòng thủ dân sự; thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, trường hợp được từ chối, trường hợp bắt buộc khi huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; đề nghị thống nhất đầu mối quản lý, chỉ đạo một số quỹ và ban chỉ đạo vì hiện nay từ Trung ương đến địa phương cũng có một số quỹ, ban chỉ đạo như Quỹ phòng, chống thiên tai; Quỹ phòng, chống dịch bệnh; Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ./.

Đỗ Dũng
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục