Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý phát biểu tại phiên họp (sáng ngày 29/5/2023).
Phát biểu thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, về tình trạng chưa thống nhất giữa các tỉnh về mô hình hoạt động và công tác quản lý tại Trung tâm y tế huyện.
Đại biểu cho rằng, Hiện nay, mô hình hoạt động của Trung tâm y tế huyện còn có sự khác nhau trong cả nước, có nơi trung tâm y tế huyện tổ chức theo mô hình hoạt động của bệnh viện để khám, chữa bệnh nội, ngoại trú (sáp nhập bệnh viện huyện) có nơi thì tổ chức phòng khám đa khoa để khám, chữa bệnh ngoại trú (không sáp nhập bệnh viện huyện). Cả nước còn 02 tỉnh/63 tỉnh, thành phố vẫn giữ mô hình Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở cấp huyện.
Về công tác quản lý cũng còn có những quy định mang tính quy phạm, chưa rõ ràng để địa phương có căn cứ áp dụng, cụ thể: Theo Thông tư số 37/2021/TT-BYT, ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế “hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và phòng y tế thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” quy định 02 cơ quan có thẩm quyền quản lý trung tâm y tế huyện gồm Sở Y tế hoặc UBND cấp huyện. Đại biểu cho rằng, việc giao Trung tâm y tế huyện cho Sở Y tế quản lý đã phát huy được sự thống nhất trong chỉ đạo, quản lý của một đầu mối trong tỉnh, giúp nâng cao chất lượng hoạt động, thuận lợi trong điều hành, bố trí nhân lực. Trong khi đó nếu giao trung tâm y tế cho UBND huyện quản lý sẽ thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực của địa phương để đầu tư nâng cấp y tế cơ sở, nhưng lại không đảm bảo trong việc quản lý chuyên môn, linh hoạt trong công tác tổ chức, bố trí cán bộ trên địa bàn tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung mục 9, Điều 2 của dự thảo nghị quyết theo hướng: “Thực hiện việc giao UBND cấp huyện quản lý cơ sở y tế trên địa bàn về tài chính và cơ sở vật chất, đồng thời giao Sở Y tế quản lý về chuyên môn, tổ chức”. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có những quy định, hướng dẫn đồng bộ, cụ thể và căn cơ, tạo sự thống nhất về quản lý và hoạt động trong cả nước.
Thứ hai, đối với Trạm y tế xã và công tác Y tế dự phòng tuyến cơ sở: theo thống kê, tính đến năm 2022, toàn quốc có 78,9% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc cơ hữu. Năm 2020 giảm 1.114 bác sỹ làm việc ở trạm y tế so với năm 2019. Đại biểu cho rằng, có hai nguyên nhân dẫn đến việc giảm số lượng bác sỹ ở trạm y tế là do 2 nguyên nhân, thứ nhất: Môi trường làm việc tại trạm y tế chưa thuận lợi, mô hình bệnh tật thường là bệnh thông thường, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế làm hạn chế việc phát huy năng lực của bác sỹ; quy định về thực hiện dịch vụ kỹ thuật áp dụng theo phân tuyến mà không phải theo năng lực và trình độ của bác sỹ, dẫn đến việc bác sỹ tay nghề cao mong muốn làm việc ở tuyến trên để phát huy và nâng cao trình độ bản thân; thứ hai là do chưa có chính sách thu hút bác sỹ về làm tại tuyến xã, tiền lương và chế độ phụ cấp còn thấp: Theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ ‘về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch”, trong khi đó, các Trạm y tế xã hoạt động chủ yếu từ nguồn phân bổ ngân sách nhà nước. Do đó, mức thu nhập chưa hấp dẫn là một trong những nguyên nhân không thu hút được nhân lực, nhất là thời gian qua khi phải chịu rất nhiều áp lực trong phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến thực trạng số lượng cán bộ y tế xã chuyển công tác, chuyển vùng, xin nghỉ việc có xu hướng tăng.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long.
Về dịch vụ y tế: Khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Thực tế cho thấy mặc dù tỷ lệ đăng ký khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu ở các trạm y tế là khá cao nhưng số lượng đến khám có xu hướng giảm, mức chi bình quân khám bệnh thấp, như năm 2022 là 84.000 đồng/lượt, lý do chủ yếu là danh mục thuốc chưa đa dạng, trang thiết bị đã cũ hoặc chưa được trang bị, nên người dân còn thiếu tin tưởng, gây khó khăn trong thu hút bệnh nhân đến khám bệnh. Thực trạng nơi có người làm việc nhưng không có máy móc, nơi có máy móc nhưng lại không có người làm việc, bất cập này vẫn đang xảy ra tại nhiều đơn vị. Đại biểu đề nghị các cơ sở y tế có thể giải quyết bằng cách thường xuyên rà soát, quản lý, thực hiện điều chuyển nhân lực vật lực để nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, tránh lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực; đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm chỉ đạo sát sao để sớm giải quyết vấn đề này.
Về công tác Y tế dự phòng tại cơ sở: Hiện nay 100% các trạm y tế xã thực hiện nhiệm vụ Y tế dự phòng, tuy nhiên, chất lượng cán bộ chưa thực sự đảm bảo, còn thiếu những người được đào tạo chính quy, chuyên sâu. Cán bộ phải kiêm nhiều nhiệm vụ, trong khi số lượng ít, nên việc theo dõi, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn, tầm soát phát hiện bệnh sớm… hiệu quả chưa cao. Việc phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn bản còn hạn chế vì trình độ không đồng đều, còn 28% chưa qua đào tạo; thiếu tính ổn định. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho ngành Y tế dự phòng, nhất là tuyến xã, chưa tương xứng với quan điểm “ y tế dự phòng là then chốt”,và dù tăng dần qua các năm nhưng tỷ lệ chi vẫn thấp so với quy định tại Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội “về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân” và Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” quy định dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho dự phòng.
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy đề nghị: Để các trạm y tế thực hiện tốt vai trò tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, cần phải tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách mang tính đồng bộ, lâu dài, nhất là chính sách để thu hút, sử dụng nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Để phát huy tốt vai trò của y tế dự phòng, ứng phó với mô hình dịch bệnh thay đổi, ngành y tế cần có những đáp ứng phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng dịch vụ, cần hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thông tin quản lý tại trạm y tế thì mới có thể đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân cũng như đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nhiều và đa dạng, với nhiều chương trình, dự án y tế về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cần phải triển khai thực hiện từ cơ sở.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế, đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân; có hướng dẫn cụ thể về việc xác định ngân sách cho Y tế dự phòng để các địa phương căn cứ thực hiện theo Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 18/2008/QH12 để đảm bảo nguồn lực thực hiện tốt các chương trình y tế dự phòng tại cơ sở./.