Đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thúy tham gia thảo luận dự án Luật trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Chiều ngày 27-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về 02 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Tổ phó Tổ thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội thuộc Tổ thảo luận số 11 đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào 02 dự thảo dự án Luật.

Phát biểu tại Tổ thảo luận, đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung thêm các quy định của những Luật hiện hành này nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ma Thị Thuý phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên họp tổ.

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ sự nhất trí cao, cho rằng Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an Nhân dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an Nhân dân; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an Nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đối với các nội dung cụ thể, tại khoản 2 Điều 1(sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Công an Nhân dân năm 2014 về thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc): Đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo quy định ngay trong luật nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an Nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu của dự thảo; không giao Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết để đảm bảo thống nhất với các văn bản luật hiện hành như Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Thi đua khen thưởng (các luật này đều quy định ngay trong Luật về điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn để áp dụng thống nhất).

Tại điểm c khoản 3 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 về Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an Nhân dân): Đề nghị không quy định cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với chức vụ Trưởng Công an thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (Trưởng Công an thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội; Trưởng Công an thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) để đảm bảo sự thống nhất về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm như nhau vì hiện nay theo quy định của Luật Công an Nhân dân năm 2014 thì Trưởng Công an thành phố trực thuộc tỉnh cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá; đồng thời đảm bảo sự thống nhất với trần quân hàm cao nhất đối với chức danh của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự của thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm a, Khoản 4, Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 30, về hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an Nhân dân): Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét nên quy định việc tăng tuổi nghỉ hưu theo từng nhóm đối tượng, theo đó nên giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với các lực lượng phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và các đối tượng trực tiếp làm nhiệm vụ lao động có cường độ mạnh, để các đối tượng được nghỉ hưu sớm hơn, nhất là các đối tượng nữ công nhân công an nhân dân, nên có đánh giá kỹ hơn về các đối tượng này… nhằm duy trì việc trẻ hóa lực lượng, nâng cao được chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Ma Thị Thúy đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng... Dự thảo Luật được ban hành sẽ kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện đối với các nội dung liên quan đến hoạt động Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam


Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ (chiều ngày 27/5/2023).

Góp ý vào các nội dung sửa đổi đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định người chưa đủ 14 tuổi phải cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh trong thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước, vì hiện nay Bộ Công an đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo đó cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể tra cứu thông tin của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không cần thiết phải đề nghị công dân cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi (thêm thủ tục hành chính); bỏ quy định yêu cầu cung cấp giấy tờ “bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất” và “bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi” để cấp hộ chiếu phổ thông nước ngoài, vì hiện nay Bộ Công an đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh nên cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể tra cứu thông tin để kiểm tra, đối chiếu hồ sơ. Theo đó, đại biểu đề nghị quy định theo hướng chỉ xuất trình bản chính đề kiểm tra nhằm hạn chế phát sinh thêm thủ tục hành chính cho người dân, góp phần giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đối với thủ tục cấp hộ chiếu này.

Đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: Đại biểu đề nghị bổ sung quy định người nước ngoài vào khu vực biên giới, cửa khẩu nếu ở qua đêm, đăng ký tạm trú, lưu trú phải thông báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng bộ đội biên phòng nơi gần nhất, để đảm bảo đồng bộ các điều ước quốc tế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đáp ứng với chính sách đã đề ra trong công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam và phát huy được vai trò, trách nhiệm của bộ đội biên phòng trong quản lý cư trú người nước ngoài tại khu vực biên giới, hải đảo...

Tại buổi thảo luận tổ, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với các dự thảo luật đưa ra. Với sự nâng cao chất lượng trong việc nghiên cứu, các đại biểu đã tham gia thảo luận và trao đổi nhiều ý kiến giá trị, góp phần vào việc xây dựng, nâng cao tính thống nhất các dự án luật./. 

Tuấn Anh

Tin cùng chuyên mục