Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV

Dưới sự chủ trì của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng ngày 22-5, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV chính thức khai mạc. Tham dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội khóa XV.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp. 

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; hoàn thiện dự thảo Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và bảo đảm chất lượng để có thể trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, đề nghị cần tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong bối cảnh diễn biến thế giới, khu vực tiếp tục phức tạp, khó lường nhằm hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, đánh giá kỹ tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập, hạn chế chưa được khắc phục hậu quả qua nhiều năm như: ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp; phân bổ, giao dự toán chậm; chi chuyển nguồn ngân sách lớn; tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được phát triển bền vững theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.


Đoàn Đại biểu Quốc hội Tuyên Quang tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

Theo chương trình đã được thông qua, kỳ họp sẽ diễn ra trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng như: Xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và tình hình những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; xem xét kết quả giám sát chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật cơ sở về y tế dự phòng”; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 08 dự án luật và 03 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật và thảo luận: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.


Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707; xem xét thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; giảm thuế giá trị gia tăng).

Quốc hội cũng sẽ thảo luận về công tác nhân sự và dự kiến dành ra 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tham dự kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang gồm có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các vị đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh. Tại kỳ họp lần này, đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội phân công làm tổ trưởng tổ thảo luận số 11 gồm các Đoàn: Tuyên Quang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang.

Để chuẩn bị cho kỳ họp lần này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã tiếp thu, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào các dự án Luật kịp thời, đầy đủ. Mặt khác, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã phân công nhiệm vụ đối với từng đại biểu tại kỳ họp. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, các đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã sẵn sàng tham gia vào các nội dung của kỳ họp với tâm thế tốt nhất./.

Tuấn Anh
Ảnh: Lâm Hiển

Tin cùng chuyên mục