Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại Tổ về một số nội dung trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV
Video không hợp lệ

Sáng ngày 25/5/2023, Quốc hội thảo luận tại Tổ về 08 nội dung gồm: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Tại tổ 11, Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì, gồm 27 đại biểu Quốc hội 4 tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang.


Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chủ trì phiên họp tổ (sáng ngày 25/5/2023).

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, các đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng mặc dù sau những năm trải qua nhiều khó khăn, dịch bệnh, thiên tai, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, chính phủ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực, Trên cơ sở các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, ngay từ đầu năm, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét những nội dung quan trọng, trong đó đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023;  đại biểu cho rằng chính sách, chế độ về người có công với Cách mạng tiếp tục được quan tâm, cải thiện; về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều và tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm thiểu rõ rệt, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; ngành du lịch cải thiện lượng khách nội địa rõ rệt…Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về việc suy thoái kinh tế dẫn đến mất việc làm và lạm phát gia tăng, do đó đề nghị cần tìm rõ sớm các giải pháp kịp thời cho những vấn đề này.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.

Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được tăng cường; công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các Bộ, ngành và địa phương cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm; việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản được tăng cường, góp phần phòng, chống thất thoát lãng phí hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay còn nhiều công trình xây dựng bỏ không bị xuống cấp gây thất thoát, lãng phí.


Đại biểu Quốc hội Lò Thị Việt Hà phát biểu.

Liên quan đến nhiều bất cập liên quan đến luật đất đai hiện nay, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh cũng cho rằng Chính phủ cần giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định hướng dẫn trong việc giải phóng mặt bằng, giao đất công để thực hiện các dự án có hiệu quả. Thêm vào đó, cần xem xét hoàn thiện sớm các quy định về giá đất để tạo điều kiện thực hiện các dự án đầu tư công; xem xét các quy định về đối với các thủ tục đầu tư xây dựng và chuyển đổi đất rừng.


Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai phát biểu.

Nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung Nghị định, các thông tư hướng dẫn thực hiện về quy định cơ chế, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm so với kế hoạch; tình hình giải ngân vốn năm 2022 và vốn đầu tư phát triển đến tháng 3/2023 còn thấp; tỷ lệ thất nghiệp gia tăng từ đầu quý I/2023 đến nay do suy thoái kinh tế; chế độ, thu nhập dành cho người lao động tại một số ngành nghề còn chưa phù hợp với mức sống hiện nay dẫn tới việc bỏ, đổi việc làm nhiều hơn gây ra mất cân bằng xã hội;  tiến độ dự án đầu tư Hồ chứa nước Ka Pét còn chậm nhưng vốn đầu tư tăng do khó khăn bởi đại dịch Covid; Về dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng cần chọn chủ trương đầu tư cho dự án sớm để triển khai nhằm chống trượt giá;…


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà phát biểu.

Về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng cơ bản nhất trí và cho rằng việc tăng vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp trong tình hình hiện nay là rất cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động cũng như đóng góp vào phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm, làm rõ hơn phương án tăng vốn và đánh giá hiệu quả tác động kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và sử dụng ngân sách nhà nước do khoản vốn bổ sung này là 17,100 tỷ đồng (xấp xỉ gần 50%); bên cạnh đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank  đã được triển khai thông qua tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 nhưng đến nay còn vướng mắc chưa triển khai thực hiện được.


Toàn cảnh phiên họp tổ sáng ngày 25/5/2023.

Tại buổi thảo luận tổ, tất cả các đại biểu đều đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, tiếp thu thêm các ý kiến để nâng cao các giải pháp hiệu quả hơn nhằm phát huy các kết quả đạt được. Ngoài ra cũng kịp thời nghiên cứu, cập nhật thông tin phù hợp để triển khai được các phương án đồng bộ hơn, giải quyết sớm được các vấn đề vướng mắc.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường về  Luật Hợp tác xã (sửa đổi)./.

Tuấn Anh
Video: tuyenquangtv.vn

Tin cùng chuyên mục