Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Quang Giai phát biểu kết luận tại Phòng giao Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lâm Bình.
Qua giám sát cho thấy, trong năm 2023, 2024 hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị đã ban hành kịp thời văn bản chỉ đạo, cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Lãnh đạo UBND xã Đà Vị báo cáo kết quả công tác nhận nguồn vốn ủy thác trên địa bàn xã.
Kết quả triển khai các chương trình tín dụng (từ năm 2023 đến 30/6/2024) đạt 4.362,4 tỷ đồng (tăng 146,4 tỷ đồng so với năm 2023), trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương 3.940,7 tỷ đồng, chiếm 90,3% (tăng 307 tỷ đồng); nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân (nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm trong nhân dân) 302 tỷ đồng, chiếm 7,11% (tăng 64,7 tỷ đồng); nguồn vốn nhận uỷ thác từ địa phương tỉnh và các huyện, thành phố 111,6 tỷ đồng, chiếm 2,56% (tăng 15,7 tỷ đồng). Qua đó, cho thấy, nguồn vốn nhận uỷ thác từ địa phương góp phần tăng thêm nguồn vốn và tạo sự chủ động hơn của Ngân hàng Chính sách xã hội trong cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để thực hiện cho vay 23/23 chương trình tín dụng chính sách xã hội tại thôn, xóm, tổ dân phố; ưu tiên tập trung vốn cho vay hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tạo điều kiện cho các hộ gia đình có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững (cho vay hộ nghèo1.271,9 tỷ đồng/23.140 khách hàng; cho vay hộ cận nghèo 700 tỷ đồng/13.058 khách hàng; hộ mới thoát nghèo: 349,8 tỷ đồng/6362 khách hàng). Tổng doanh số cho vay 2 năm 2023-2024 đạt 4.355,755 tỷ đồng với 35.975 lượt hộ gia đình được vay vốn (trong đó nguồn vốn tín dụng địa phương cho vay 111.909,64 triệu đồng). Trong 2 năm đã có 160.514 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 7.748 lao động; xây dựng được 9.311 công trình nước sạch và 9.178 công trình vệ sinh; hỗ trợ 91 khách hàng vay vốn để xây dựng mới và sửa chữa nhà ở và giải quyết cho178 đối tượng có nhu cầu vay vốn đi xuất khẩu lao động. Qua đó, nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn hiện tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế tình trạng tín dụng đen tại địa phương.
Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Phan Thị Mỹ Bình phát biểu tại Phòng giao Ngân hàng chính sách xã hội huyện Na Hang.
Tuy nhiên, một số hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được giám sát không mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình; một số tổ chức chính trị - xã hội cấp xã chưa thực hiện tốt các nội dung công việc được ủy thác theo quy định, chỉ đạo, nắm bắt hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thường xuyên; việc hướng dẫn giúp đỡ, giám sát lẫn nhau giữa các tổ viên trong sản xuất và cuộc sống chưa nhiều.
Tại các buổi làm việc, Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực, kết quả đạt được và đề nghị Ban Đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện, đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội trong tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò chỉ đạo, giám sát, điều hành, tác nghiệp hoạt động tín dụng chính sách xã hội; các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả hơn hoạt động tín dụng cho người dân, đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao của mỗi đơn vị. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng để có các biện pháp chỉ đạo, triển khai phù hợp. Tập trung làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, hạn chế đến mức thấp nhất nợ xấu, nợ quá hạn./.