>>Bài 1: Giám sát đi vào thực chất
Bao trùm mọi lĩnh vực
Khi nâng cao hiệu quả giám sát, đại biểu HĐND không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà còn khẳng định vị thế của họ trong mắt người dân và chính quyền. Hiệu quả giám sát tốt đồng nghĩa với việc đại biểu thực sự đại diện cho quyền lợi của người dân, đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và các chính sách, pháp luật được thực hiện một cách đúng đắn và minh bạch.
Chúng tôi theo chân bà Hứa Thị Hà, đại biểu HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND huyện Sơn Dương thực hiện một buổi giám sát chuyên đề về thu các loại phí, lệ phí tại Bộ phận Một cửa của UBND xã Phúc Ứng (Sơn Dương). Ngoài việc rà soát, đối chiếu các loại biên bản, sổ sách, trực tiếp hỏi người dân đang thực hiện giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa bà Hà còn xuống tận thôn gặp một số người dân đã từng thực hiện giải quyết TTHC thời gian trước để nắm rõ thêm việc thu phí, lệ phí, thời hạn trả kết quả giải quyết TTHC, tinh thần thái độ làm việc của cán bộ xã...
Đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thu phí, lệ phí tại Bộ phận Một cửa xã Phúc Ứng (Sơn Dương).
Trao đổi về hoạt động giám sát của mình đại biểu Hà chia sẻ: Trong giám sát ngoài những kỹ năng cơ bản thì điều quan trọng nhất là phải nghe được tiếng nói của người dân cho ý kiến, phản ánh về những vấn đề trực tiếp tác động đến người dân; làm thế nào để những ý nguyện của người dân được các cơ quan nhà nước tiếp thu một cách đầy đủ nhất và biến những mong muốn đó trở thành chủ trương, chính sách để quay trở lại phục vụ chính người dân. Yêu cầu đặt ra là ngay từ bước thu thập thông tin phải khách quan, đa dạng, bảo đảm nguyên tắc “đúng” và “trúng”. Đó là, đúng chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Đúng nhu cầu thực tế và nguyện vọng của Nhân dân. Phải trúng thời điểm để kết quả giám sát trở nên thiết thực; đánh giá và kiến nghị giám sát phải trúng để bảo đảm tính thực thi.
Tại buổi giám sát, Đoàn cũng đã có ý kiến vào các nội dung liên quan đến thu, nộp phí, lệ phí tại Bộ phận Một cửa và yêu cầu UBND xã làm rõ. Đồng thời đề nghị UBND xã tăng cường áp dụng chứng thực điện tử, thu phí bằng biên lai điện tử; tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ qua Dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích, hỗ trợ hướng dẫn người dân thanh toán phí, lệ phí trực tuyến đối với những hồ sơ phát sinh lệ phí.
Bà Lý Thu Hương là một trong số đại biểu HĐND tỉnh trẻ nhất trong 2 nhiệm kỳ HĐND tỉnh hiện nay. Đại biểu Hương chia sẻ: Qua thực tiễn hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian qua, chúng tôi khẳng định đây là một nhiệm vụ vô cùng khó vì kiến nghị của cử tri rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, việc giải quyết ý kiến của cử tri đối với cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đã là một việc không dễ dàng. Kiến nghị của cử tri không chỉ rộng trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực lại có nhiều quy định, có ý kiến liên quan đến rất nhiều văn bản quy định, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách rất phức tạp. Điều này đòi hỏi người giám sát giải quyết phải công tâm trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các quy định liên quan đến nội dung kiến nghị. Khi thực hiện giám sát chuyên đề, phải nghiên cứu kỹ các văn bản quy định có liên quan. Việc nghiên cứu không chỉ để chỉ ra những vấn đề tác động ảnh hưởng đến người dân mà còn tìm hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Điển hình như, qua giám sát về bảo hiểm y tế cho thấy: Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Chính phủ thì Tuyên Quang có tới 41 xã với trên 100 nghìn người dân thuộc đối tượng cận nghèo không còn được hưởng trợ cấp chế độ bảo hiểm y tế do việc công nhận các xã khu vực III, khu vực II khi hoàn thành nông thôn mới là xã khu vực I. Vì vậy, tổ giám sát đưa ra các giải pháp hỗ trợ áp dụng Chỉ thị 14/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ xã an toàn khu, vùng ATK; đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn để Nhân dân vùng ATK được thụ hưởng chính sách.
Chỉ tính riêng từ Kỳ họp thứ 6 đến Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIX có tổng số 74 kiến nghị giám sát. Kết quả đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết 65/74 kiến nghị, đạt tỷ lệ 88%; kiến nghị chưa có kết quả cụ thể, cần tiếp tục báo cáo tại kỳ họp tiếp theo 9/74 kiến nghị, tỷ lệ 12%. Có thể nói, kiến nghị giám sát bao trùm tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các vấn đề kiến nghị sau giám sát cho thấy các đại biểu đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc khắc phục mọi khó khăn để chủ động nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, báo cáo, các văn bản liên quan để chuẩn bị các ý kiến tham gia phát biểu, chất vấn tại các kỳ họp.
Giúp các chủ trương, nghị quyết đi đúng hướng
Giám sát là một trong những chức năng quan trọng nhất của đại biểu HĐND. Thông qua giám sát, các đại biểu có thể phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Để nâng cao hiệu quả theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, Thường trực HĐND và UBND tỉnh tăng cường phối hợp hoạt động toàn diện trong các mặt công tác, trong đó có nội dung đôn đốc, giám sát việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh và thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND.
Nghị quyết số 44/NQ-HĐND về phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2022, đây là nghị quyết quan trọng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ. Qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh cho thấy, một số chương trình, dự án ưu tiên đầu tư chậm được thực hiện; ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng gỗ rừng trồng còn hạn chế, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp. HĐND tỉnh đã có kiến nghị khắc phục hạn chế và được UBND tỉnh đã ban hành 76 văn bản chỉ đạo. Trong đó chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp, cam kết khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu. Các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện kế hoạch hỗ trợ cây giống chất lượng cao năm 2024; các địa phương cũng phấn đấu năm 2024, dự kiến diện tích rừng được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh khoảng 21.000 ha.
Đại biểu xem hình ảnh giám sát chuyên đề tại Kỳ họp HĐND tỉnh.
Vấn đề về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được HĐND tỉnh thực hiện giám sát đã chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Trong đó có Quy định giá dịch vụ và hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa phù hợp; cần khẩn trương hoàn thành, phê duyệt quy hoạch các điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn các huyện, thành phố để các địa phương đầu tư xây dựng. Nội dung này đã được UBND tỉnh đã ban hành các văn bản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 85 điểm tập kết rác thải đang vận hành hoạt động; 16 khu xử lý, chôn lấp rác thải; 111 điểm tập kết đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những kiến nghị giám sát là kênh thông tin vô cùng quan trọng để ngành đề ra các giải pháp cần thiết để thực hiện, thể hiện rõ trách nhiệm với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Điển hình như về tiến độ thực hiện kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh, qua giám sát của HĐND tỉnh về chất lượng kênh mương sau lắp đặt. Sở đã chỉ đạo khắc phục chít mạch toàn bộ các đoạn kênh bị rò rỉ nước; việc đắp đất mang kênh, điều chỉnh lắp đặt cấu kiện cong vênh, độ dốc kênh không đều cơ bản khắc phục được đối với các tuyến kênh lắp đặt ở địa hình, địa chất bình thường, còn một số ít tuyến kênh lắp đặt ở những khu vực có địa hình, địa chất phức tạp hiện nay UBND các xã đang tiếp tục chỉ đạo để tổ chức thực hiện khắc phục.
Phát biểu về hoạt động của HĐND tỉnh của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh đã nhấn mạnh, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh được chú trọng, có nhiều đổi mới căn bản, bảo đảm toàn diện, sát thực, chất lượng, hiệu quả. Các cuộc giám sát được chuẩn bị kỹ, lựa chọn nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát trúng và đúng; có sự kết hợp chặt chẽ giữa giám sát của Thường trực với giám sát của các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh; có sự tham gia của những người am hiểu các lĩnh vực làm thành viên Đoàn giám sát hoặc thành viên Tổ giúp việc Đoàn giám sát. Kết quả các cuộc giám sát là kênh thông tin quan trọng, làm cơ sở cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quyết định nhiều chủ trương trên các lĩnh vực, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và Nhân dân.