Công khai, rõ yêu cầu, thời hạn thực hiện

Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tuyên Quang, việc xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát tại cuộc họp của Thường trực HĐND phải được thực hiện công khai tại phiên họp của Thường trực HĐND và phiên họp chính thức của HĐND. Kết quả phải được thể hiện bằng văn bản (nghị quyết hoặc kết luận). Trong đó, nêu rõ yêu cầu, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu.

Góp phần quan trọng nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động

Giám sát là một trong hai chức năng chính của HĐND. Những năm qua, HĐND các cấp tỉnh đã thực hiện tương đối hiệu quả chức năng này, kịp thời, kiến nghị, đề nghị các cấp, các ngành khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao. Thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 3 cuộc giám sát việc thực hiện các kiến nghị, đề nghị sau giám sát và kịp thời có ý kiến với các cơ quan chức năng khắc phục hạn chế; xem xét 3 báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh tại kỳ họp HĐND về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tại kỳ họp. Kết quả đó đã góp phần quan trọng nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của HĐND trong bộ máy Nhà nước tại địa phương.


Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu tại cuộc giám sát về tiến độ thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Hải Hương.

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng trên thực tế, việc theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát; trình tự, thủ tục thực hiện còn lúng túng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hiện đề nghị, kiến nghị giám sát của HĐND chưa được xem xét đến cùng...

Để thực hiện tốt giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, Thường trực, các ban của HĐND phải thường xuyên rà soát, xem xét việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thông qua việc yêu cầu đối tượng được giám sát báo cáo kết quả thực hiện. Khi nhận được báo cáo, cần xem xét kỹ lưỡng kết quả thực hiện từng kiến nghị. Phân loại bao nhiêu ý kiến đã được giải quyết xong, bao nhiêu ý kiến đã được xem xét nhưng chưa giải quyết dứt điểm, bao nhiêu ý kiến chưa được giải quyết... Trên cơ sở đó, xét thấy cần thiết HĐND có thể tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát

Hàng năm, vào tháng 3, tháng 8 hoặc trước mỗi kỳ họp, Thường trực, các ban HĐND có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát và các kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra. Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, bộ phận giúp việc của HĐND các cấp tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp tại phiên họp gần nhất. Trong đó, làm rõ nội dung chưa thực hiện được hoặc thực hiện không đúng yêu cầu. Thường trực HĐND xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu tại phiên họp của Thường trực HĐND. Căn cứ kết quả cuộc họp, Thường trực HĐND xem xét, quyết định việc ban hành kết luận về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hoặc báo cáo HĐND.

HĐND xem xét báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND theo Điều 27 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH. HĐND ban hành nghị quyết hoặc kết luận về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Trong đó, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu giám sát; những yêu cầu cụ thể đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nêu rõ yêu cầu, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị.

Thực hiện công khai, bằng văn bản

Nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tuyên Quang, trước hết cần nâng cao nhận thức của HĐND các cấp trong thực hiện chức năng giám sát thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND; chỉ có nhận thức đúng và đầy đủ vai trò của việc này mới thực hiện đúng chức năng được Hiến pháp và pháp luật giao cho HĐND. Cùng với đó, thực hiện đúng, đủ các nội dung theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH. Theo đó, phải xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát tại cuộc họp của Thường trực HĐND; đánh giá kết quả việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tại kỳ họp.

Việc xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được thực hiện công khai tại phiên họp của Thường trực HĐND và phiên họp chính thức của HĐND. Kết quả việc xem xét trách nhiệm các cơ quan, tổ chức phải được thể hiện bằng văn bản (nghị quyết hoặc kết luận). Trong đó, nêu rõ yêu cầu thực hiện, thời hạn thực hiện; biện pháp xử lý nếu tiếp tục không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu đối với những vấn đề đã kết luận, kiến nghị.

Theo daibieunhandan.vn

Tin cùng chuyên mục