Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân

Chất vấn là một trong những hình thức giám sát của hội đồng nhân dân (HĐND). Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định "Chất vấn là việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu".

Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND quy định: Phiên họp chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do HĐND quyết định. Nội dung phiên họp chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp huyện, cấp xã; tại phiên họp thường trực HĐND được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Như vậy, Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, thể hiện quyền và trách nhiệm của từng đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đối với những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.


Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Vũ Thị Giang trình bày tham luận tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thành phố (ngày 01/8/2024).

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã quan tâm hoạt động chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp thường trực HĐND, đảm bảo theo quy định tại Điều 60 và Điều 69 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; trong đó HĐND tỉnh tổ chức 3 phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND và 01 phiên chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND với 8 nhóm vấn đề chất vấn; chất vấn đối với 18 thành viên của UBND tỉnh và thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh. Các phiên chất vấn luôn được đông đảo cử tri và Nhân dân theo dõi. Việc tổ chức phiên chất vấn thành công mang lại hiệu quả giám sát tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh,

Qua giám sát, theo dõi về hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh cho thấy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn còn có hạn chế: Số lượng phiên chất vấn chưa nhiều, nhất là chất vấn tại phiên họp thường trực HĐND; có HĐND lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn chưa thực sự nổi bật về vấn đề nổi cộm, bức xúc được nhiều đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm; công tác chuẩn bị hoạt động chất vấn ở một số HĐND cấp xã chưa kỹ lưỡng, chưa tổ chức khảo sát trước phiên chất vấn, do vậy hiệu quả đạt được chưa cao.


Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chụp ảnh với lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Với những kết quả đạt được trong việc tổ chức hoạt động chất vấn của HĐND tỉnh trong thời gian qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trao đổi một số kinh nghiệm về hoạt động chất vấn như sau: 

Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động chất vấn. Xác định chất vấn là một trong những hoạt động quan trọng, thể hiện chức năng giám sát của HĐND; thể hiện rõ được vai trò, vị thế, trách nhiệm của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Hoạt động chất vấn phải được Thường trực HĐND quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác chuẩn bị hoạt động chất vấn, từ việc quyết định nhóm vấn đề chất vấn của thường trực HĐND, tổ chức khảo sát kỹ lưỡng trước khi tổ chức chất vấn, xây dựng kế hoạch, chương trình chất vấn, thực hiện chất vấn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, vấn đề chất vấn được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung chất vấn phải được thường trực HĐND lựa chọn từ nhiều kênh thông tin, như: ý kiến đề xuất của đại biểu; qua hoạt động giám sát; ý kiến, kiến nghị của cử tri; qua các cuộc tiếp xúc cử tri; qua thực tế theo dõi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và từ dư luận xã hội;... Nội dung được lựa chọn để chất vấn tập trung vào các vấn đề nổi cộm được đông đảo đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Thứ tư, dành thời lượng thỏa đáng cho hoạt động chất vấn, đảm bảo người bị chất vấn trả lời đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu HĐND đã chất vấn, xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế; đồng thời cần dành thời gian hợp lý để người chất vấn và người bị chất vấn có sự trao đổi, tranh luận để sáng tỏ vấn đề chất vấn.

Thứ năm, chủ tọa điều hành chất vấn khoa học, dân chủ và đúng luật, phát huy tốt tính dân chủ, trách nhiệm của đại biểu HĐND; đồng thời gợi mở vấn đề để đại biểu tập trung chất vấn và tranh luận làm rõ nội dung yêu cầu. Kết thúc phiên chất vấn, chủ tọa kết luận, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế và yêu cầu UBND quan tâm chỉ đạo các ngành có những giải pháp cụ thể, phù hợp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời, giao các Ban HĐND tỉnh, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện kết luận.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả chất vấn trong thời gian tới, Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, chú trọng lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn: Nội dung chất vấn phải là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, được nhiều đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm. Việc đề xuất nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở: Nghiên cứu đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xem xét việc triển khai và kết quả thực hiện của cơ quan, đơn vị, thuộc ngành, lĩnh vực liên quan  thông qua các báo cáo sơ kết, tổng kết, chuyên đề; thường xuyên tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân,... để nắm thông tin chính xác và lựa chọn vấn đề để đề xuất nội dung chất vấn.

Hai là, tổ chức khảo sát để nắm bắt thực trạng, nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Việc tổ chức khảo sát bằng hình ảnh để làm tư liệu, bằng chứng thực tiễn, chân thật giúp đại biểu có cơ sở nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận rõ hơn vấn đề chất vấn, đồng thời giúp chủ tọa điều hành, kết luận nội dung trọng tâm, chính xác. Để tổ chức khảo sát bằng hình ảnh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực để thực hiện, trong đó cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí; xây dựng kịch bản, dự kiến nội dung ghi âm, ghi hình trên cơ sở nghiên cứu kỹ báo cáo của các đơn vị chịu sự khảo sát trước khi tổ chức khảo sát trực tiếp; việc xây dựng phóng sự phục vụ phiên chất vấn chỉ được thực hiện khi kết thúc khảo sát, hoàn thiện báo cáo kết quả khảo sát để đảm bảo phóng sự phản ánh được một cách đầy đủ nhất, chân thực nhất kết quả khảo sát.

Ba là, câu hỏi chất vấn phải phù hợp pháp luật và yêu cầu thực tế; ngắn gọn, đúng trọng tâm, dễ hiểu, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề và phải thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của người bị chất vấn. Trong quá trình chất vấn, đại biểu cần phải thể hiện được bản lĩnh, tự tin và nghị lực, không nể nang, e ngại; trong quá trình hỏi và đáp cần tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và tìm ra những giải pháp có tính khả thi. Để thực hiện được yêu cầu này, đại biểu cần tham gia hoạt động khảo sát, nắm bắt chắc thực tiễn; đồng thời nắm đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, vì vậy, trong thời gian tới HĐND các cấp cần quan tâm, tổ chức có nền nếp hoạt động chất vấn, đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả chất vấn để ngày càng đáp ứng lòng mong mỏi, sự kỳ vọng của Nhân dân vào hoạt động này.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
Ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục