Một số giải pháp nâng cao chất lượng giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân

Hoạt động giải trình giữa 2 kỳ họp của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) là hình thức giám sát thường xuyên của HĐND, thể hiện vai trò tích cực của đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đối với những vấn đề cử tri và dư luận quan tâm.

Thông qua hoạt động giải trình, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương được giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tạo sự đồng thuận và lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.


Các đại biểu dự phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Ngọc Hưng.

Thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng thực hiện hoạt động này. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức 08 phiên giải trình, trong đó Ban Pháp chế được phân công chủ trì, nghiên cứu, tổ chức khảo sát 03 nội dung: Việc xem xét, đền bù đất, tài sản trên đất bị ngập úng trong vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa của cử tri xã Năng Khả, Thanh Tương và thị trấn Na Hang, huyện Na Hang; Công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; về việc giải quyết, thi hành án các vụ án, vụ việc dân sự, vụ án hành chính liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh.

Nội dung các phiên giải trình là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, một số nội dung giải quyết kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc đối với những người liên quan. Việc tổ chức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND được tiến hành theo trình tự quy định tại khoản 4 Điều 72 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Để việc tổ chức các phiên giải trình đạt chất lượng, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo làm tốt một số nội dung sau:

Một là lựa chọn nội dung giải trình: Đây là vấn đề quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của phiên họp. Ngay từ đầu năm, khi ban hành chương trình công tác năm, Thường trực HĐND tỉnh đã xác định thời điểm nào sẽ tổ chức giải trình và nội dung đó thuộc lĩnh vực nào sẽ giao trực tiếp cho một Ban của HĐND tỉnh chủ trì, nghiên cứu, lựa chọn đề xuất nội dung cần giải trình để Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Hai là tổ chức khảo sát, giám sát và xây dựng báo cáo: Khi đã lựa chọn được nội dung cần giải trình, Thường trực HĐND tỉnh giao cho Ban của HĐND tỉnh theo lĩnh vực nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức giám sát, khảo sát và xây dựng báo cáo. Nội dung báo cáo tập trung vào kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân của vấn đề cần yêu cầu giải trình. Từ đó đề xuất các nội dung cụ thể, lựa chọn ngành, cá nhân có liên quan đến nội dung cần giải trình. Sau khi thống nhất, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị yêu cầu báo cáo rõ về các vấn đề giải trình, báo cáo gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước phiên họp; nhận được báo cáo của các cơ quan giải trình, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các Ban nghiên cứu, xem xét và nêu các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất cần tiếp tục trao đổi hoặc làm rõ tại phiên họp và chỉ đạo Ban được phân công chuẩn bị kỹ kịch bản điều hành. Kinh nghiệm cho thấy, khi chuẩn bị được một kịch bản chất lượng sẽ giúp chủ toạ điều hành phiên giải trình chặt chẽ logic, xoay quanh vấn đề trọng tâm, đảm bảo thời gian và những mục tiêu cần giải trình đặt ra.

Ba là tổ chức giải trình: Chủ tọa phiên họp sẽ nêu nội dung yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo giải trình những vấn đề được yêu cầu; thành viên Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tham dự trên tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh cùng với các tài liệu nghiên cứu nêu câu hỏi trúng, đúng vấn đề để đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình làm rõ; người giải trình tiếp tục giải trình vấn đề được nêu ra; đại diện UBND tỉnh phát biểu làm rõ thêm. Quá trình điều hành phiên giải trình, chủ toạ luôn tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc mang tính xây dựng và có kết luận rõ về từng vấn đề được giải trình.

Bốn là sau khi kết thúc phiên giải trình: Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận phiên họp gửi đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân biết để tổ chức thực hiện. Trong kết luận phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh phân công ban HĐND theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị.


Các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh tham dự phiên họp giải trình. Ảnh PC.

Qua theo dõi, đến nay các nội dung Kết luận của 8 phiên họp giải trình đã và đang được UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị giải quyết, nhiều nội dung đã giải quyết dứt điểm, từ đó đã được Thường trực, đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân đánh giá cao. Có thể khẳng định, việc tổ chức giải trình tại Phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh đã góp phần giúp vai trò của HĐND được thể hiện rõ nét, là điểm nhấn trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh; làm chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và địa phương; nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phiên giải trình trong thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, lựa chọn và xác định nội dung giải trình là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do vậy, cần tập trung phát hiện vấn đề qua giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri hoặc qua thực tế cuộc sống của các đại biểu chuyên trách, thành viên các Ban để có nhiều nội dung đề xuất giải trình tại phiên họp Thường trực.

Thứ hai, nâng cao kỹ năng điều hành của chủ tọa phiên họp; nắm chắc nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra giải trình; điều hành nội dung cần linh hoạt, gợi mở, tập trung để cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình báo cáo đầy đủ các nội dung đại biểu đã nêu tại phiên họp.

Thứ ba, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, bản lĩnh của đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu chuyên trách, các đại biểu là thành viên của các Ban trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia hoạt động giải trình với phương châm: Rõ nội dung, chính xác về thông tin, đảm bảo trúng, đúng các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung, yêu cầu giải trình.

Thứ tư, đề cao trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị giải trình, phải cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề theo yêu cầu đặt ra, nêu rõ việc đã làm được, việc chưa làm được; nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục. Người trả lời giải trình phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, không rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị.

Thứ năm, sau khi Thường trực HĐND ban hành kết luận phiên giải trình, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện của UBND và các ngành liên quan. 

Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Tin cùng chuyên mục